Pháp luật về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động, qua thực tiễn tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai
Đảng và Nhà nước ta luôn chủ trường xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động, trong đó xây dựng quan hệ lợi ích giữa các bên hài hòa, tin cậy nhau, chú trọng việc thực hiện tốt nghĩa vụ và trách nhiệm của mình; vừa tôn trọng lợi ích của doanh nghiệp lại vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển nhằm tạo ổn định xã hội. Tuy nhiên, trong quan hệ lao động, người sử dụng lao động sở hữu lợi thế lớn về mặt kinh tế. Bản chất của quan hệ pháp luật lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động là quan hệ mua bán sức lao động; do đó, người lao động tham gia quan hệ lao động với mục đích bán sức lao động của mình cho người sử dụng lao động thông qua quá trình lao động để kiếm thu nhập phục vụ cho nhu cầu cuộc sống. Ngược lại người sử dụng lao động chính là bên trả tiền lương cho họ, có thể nói người sử dụng lao động nắm giữ trong tay kế sinh nhai của người lao động, vì vậy để kiếm sống người lao động buộc phải phụ thuộc vào người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, người lao động còn chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động nên việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, bình đẳng đòi hỏi pháp luật lao động phải có những quy định phù hợp nhằm bảo vệ người lao động với vị thế yếu hơn trong quan hệ lao động. Một trong những quy định đó chính là quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động.