Vai trò của toà án trong bảo vệ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp ở Việt Nam

Facebook
LinkedIn
Trong tình trạng khẩn cấp (TTKC), cơ quan lập pháp khó có điều kiện thuận lợi để ban hành những quyết định kịp thời để chống lại hành vi xâm phạm, tước bỏ quyền con người từ phía cơ quan hành pháp. Trong khi đó, cơ quan hành pháp luôn viện dẫn TTKC để hạn chế, tạm dừng quyền con người khiến cho quyền con người trong tình trạng này tiểm ẩn nhiều rủi ro bị xâm phạm, bị tước bỏ. Toà án với những ưu thế vốn có của hoạt động xét xử là chủ thể bảo vệ quyền con người phù hợp nhất trong TTKC. Chính vì thế, bài viết tập trung làm rõ cơ sở pháp lý bảo đảm Toà án bảo vệ quyền con người trong TTKC, những bất cập, hạn chế của pháp luật, thực tiễn thực thi pháp luật và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền con người, quyền công dân bởi Toà án trong TTKC tại Việt Nam.

1. Đặc thù của nguy cơ xâm phạm quyền con người trong tình trạng khẩn cấp

Tình trạng khẩn cấp được ban bố khi lãnh thổ quốc gia, một hoặc nhiều địa phương của quốc gia có thảm họa lớn do thiên nhiên hoặc con người gây ra hoặc dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, tổ chức hoặc tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân hoặc có tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Khi xảy ra TTKC, cơ quan nhà nước có thẩm quyền được áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm kịp thời ngăn chặn, hạn chế và khắc phục hậu quả xảy ra, nhanh chóng ổn định tình hình, trong đó có cả các biện pháp hạn chế/tạm đình chỉ quyền con người.

Điều 29 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên Hợp Quốc năm 1948 khẳng định:

“1. Ai cũng có nghĩa vụ đối với cộng đồng trong đó nhân cách của mình có thể được phát triển một cách tự do và đầy đủ.

  1. Trong khi thực hiện những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra để những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an toàn chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn”.

Kế thừa luật nhân quyền quốc tế, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 tiếp tục khẳng định:

“1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

  1. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Như vậy, luật quốc tế và Hiến pháp Việt Nam đều khẳng định quyền con người là có giới hạn, không được bảo đảm tuyệt đối và có thể bị hạn chế trong trường hợp thật sự cần thiết vì những đòi hỏi, lợi ích chính đáng của cộng đồng, xã hội. Theo đó, việc hạn phải được quy định trong pháp luật quốc gia.

Ở Việt Nam, trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, các hạn chế về quyền con người trong TTKC đã được cụ thể hóa bằng các quy định của Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008, Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật Quốc phòng năm 2018, Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Thú y năm 2015, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Phòng thủ dân sự năm 2023… và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đây là những cơ sở pháp lý cho những xử sự nhằm hạn chế/ tạm đình chỉ quyền con người trong TTKC từ các cơ quan nhà nước.

Từ khi Pháp lệnh về Tình trạng khẩn cấp năm 2000 được ban hành đến nay, nước ta chưa từng ban bố, công bố về TTKC nhưng trong thực tế đã áp dụng các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân như trong TTKC. Điển hình như đợt dịch Covid – 19 vừa qua, Việt Nam đã áp dụng biện pháp cấm, hạn chế ra, vào vùng có dịch bệnh; thực hiện kiểm dịch, xử lý y tế đối với người, phương tiện ra vào vùng có dịch bệnh; Tạm thời đình chỉ hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hạn chế quyền tự do đi lại … Đây vốn là các biện pháp đặc biệt trong TTKC về dịch bệnh nguy hiểm được quy định tại Pháp lệnh về Tình trạng khẩn cấp năm 2000 và Nghị định 71/2002/NĐ-CP ngày 23/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh tình trạng khẩn cấp trong trường hợp có thảm hoạ lớn, dịch bệnh nguy hiểm.

Mặc dù không ban bố, công bố TTKC, nhưng với việc áp dụng các biện pháp đặc biệt trong phòng, chống dịch covid 19 như trong TTKC, chúng ta có điều kiện “kiểm chứng” vai trò của cơ quan nhà nước trong việc kiểm soát TTKC và bảo vệ quyền con người trong TTKC. Khi xảy ra TTKC, hệ thống các cơ quan hành pháp đóng vai trò hạt nhân, chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết của UBTVQH, Lệnh của Chủ tịch nước về ban bố tình trạng khẩn cấp, với mục tiêu cao nhất là kịp thời ngăn chặn, hạn chế và khắc phục hậu quả xảy ra, nhanh chóng ổn định tình hình. Do phải chịu áp lực phải đẩy lùi, ngăn chặn, kiểm soát TTKC, các cơ quan hành pháp thường phải áp dụng các biện pháp mạnh mang tính bắt buộc, phục tùng và tiềm ẩn nguy cơ xâm phạm quyền con người. Với các biện pháp phòng, chống lây lan dịch bệnh trong các Chỉ thị 15, 16 và 19, các địa phương đã áp dụng một số biện pháp tạm đình chỉ quyền con người, quyền công dân, như: Kiểm soát, cách ly bắt buộc với người nhập cảnh, đóng cửa trường hợc, hạn chế đi lại, khai báo y tế, xử lý nguồn lây bệnh, ổ dịch, quản lý nguy cơ lây nhiễm, bắt buộc tiêm vắc-xin, v.v. Cá biệt, một số địa phương còn cáp dụng một số biện pháp chưa được quy định trong pháp luật, như biện pháp hạn chế ra, vào vùng không có dịch [1]. Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng ban hành văn bản yêu cầu người có thẩm quyền “không được tiếp nhận công dân từ thành phố Đà Nẵng đến/trở về địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. [2] Ngoài ra, các địa phương như Vũng Tàu [3], Hà Nội [4], Hải Dương [5], Sơn La [6] cũng đã áp dụng các biện pháp hạn chế/tạm đình chỉ quyền con người, quyền công dân cực đoan và chưa được quy định trong pháp luật. Với các biện pháp phòng chống dịch có thể nói là “chưa từng có tiền lệ” đã được áp dụng trong đợt dịch Covid 19 vừa qua, chúng ta cũng có cơ hội được “trải nghiệm” phản ứng của xã hội khi chính họ hoặc người khác bị hạn chế, xâm phạm quyền con người. Dường như, xã hội sẵn sàng và ủng hộ cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cứng rắn, kể cả biện pháp làm hạn chế quyền con người để kiểm soát TTKC. Việc dư luận xã hội đồng tình và ủng hộ ưu tiên nhanh chóng vượt qua dịch bệnh cũng chứa đựng nguy cơ cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền hạn chế quyền con người cực đoan, hành vi xâm phạm quyền con người.

Nghiên cứu pháp luật về tình trạng khẩn cấp, nhóm tác giả khá bất ngờ khi Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp năm 2000 (và một số văn bản hướng dẫn thi hành) không được công bố công khai [7] . Trong khi đó, luật quốc tế và Hiến pháp Việt Nam đều quy định, các hạn chế về quyền con người phải được ghi nhận trong luật quốc gia, làm cơ sở áp dụng trong TTKC. Như vậy, luật quốc gia, với các quy định về hạn chế quyền con người trong tình trạng khẩn cấp sẽ là “ranh giới” xác định có hay không hành vi xâm phạm quyền con người. Thế nhưng, với việc không công khai Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp, dư luận xã hội gần như không có cơ sở để phản biện, chống lại hoặc tự bảo vệ mình trước các hành vi có dấu hiệu xâm phạm quyền con người.

Từ những khía cạnh pháp luật và thực tiễn đã nêu cho thấy, trong TTKC, quyền con người, quyền công dân dễ bị tôn thương, nguy cơ bị xâm hại/ tước bỏ bởi cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền tăng lên cho nên pháp luật cần định rõ các công cụ, phương thức hữu hiệu bảo vệ quyền con người trong hoàn cảnh này.

Do chủ thể tạm đình chỉ, hạn chế và xâm hại quyền con người, quyền công dân là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản pháp quy nên đối tượng bị xâm hại quyền có phạm vi rộng, có thể là toàn thể dân cư trong một xã, huyện, tỉnh và cả quy mô toàn quốc.

Ngoài ra, phương thức hạn chế, xâm phạm quyền con người chủ yếu do cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản pháp quy không thuộc thẩm quyền, đặt ra những biện pháp chưa được quy định trong pháp luật và còn trái với luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hình thức.

Như vậy, so với thông thường, nguy cơ và hành vi hạn chế, xâm phạm quyền con người trong TTKC ngoài những đặc điểm phổ biến, còn có những đặc thù đòi hỏi phải có những quy định phù hợp để phòng, chống hiệu quả. Nếu phòng, chống thiếu hiệu quả thì tất yếu làm xói mòn nguyên tắc pháp quyền trong xã hội, đe doạ nghiêm trọng đến quyền con người, quyền công dân.

2. Toà án – cơ quan có ưu thế trong việc bảo vệ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp

Trong TTKC, hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thi hành nghị quyết, lệnh về ban bố tình trạng khẩn cấp, chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước về kết quả của hoạt động chống lại TTKC, bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân. Trước bổn phận, trách nhiệm đó, trong TTKC, cơ quan hành pháp luôn coi trọng việc áp dụng các biện pháp đặt biệt, kể cả các biện pháp đình chỉ quyền con người để ưu tiên việc thoát khỏi tình trạng khẩn cấp, hạn chế tối đa những nguy hại, ảnh hưởng tiêu cực do TTKC gây ra. Do đó, nhiệm vụ bảo vệ quyền con người của cơ quan hành pháp, đặt trong bối cảnh thực thi TTKC, bị ảnh hưởng, có nguy cơ bị xem nhẹ hoặc vi phạm.

Trong TTKC, nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan lập pháp (thông qua Uỷ ban thường vụ Quốc hội) là ban bố tình trạng khẩn cấp. Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng có quyền hạn đình chỉ việc thi hành các văn bản của cơ quan hành pháp. Tuy vậy, Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội với tính chất là cơ quan quan nghị trường – làm việc theo chế độ thảo luận tập thể và quyết định theo đa số. Trong TTKC, Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội không có điều kiện thuận lợi để triệu tập cuộc họp, kịp thời ban hành các văn bản hoặc đình chỉ thực hiện các văn bản của cơ quan hành pháp để chống lại các hành vi xâm phạm quyền con người.

Đặt trong bối cảnh của TTKC, trong hệ thống chính trị, Tòa án là cơ quan có ưu thế nhất trong việc bảo vệ quyền con người trong TTKC, bởi lẽ:

Thứ nhất, Điều 102 Hiến pháp quy định nhiệm vụ ưu tiên của hoạt động xét xử là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Do dó, Toà án sẽ thoát khỏi tâm lý và trách nhiệm chính trị như Chính phủ trong việc ưu tiên hiệu quả thoát khỏi tình trạng khẩn cấp. Đây cũng chính là cơ sở để Toà án bảo vệ được tính vô tư, khách quan trước sức ép của dư luận xã hội, Chính phủ nếu được yêu cầu bảo vệ quyền con người. Chính vì vậy, trong tình trạng khẩn cấp Toà án vẫn bảo tồn được ưu điểm vốn có trong việc bảo vệ quyền con người.

Thứ hai, quyền được xét xét công bằng là một yêu cầu cốt yếu của pháp quyền [8] nên cơ chế tố tụng tư pháp luôn được xây dựng để bảo đảm mục tiêu trên của hoạt động xét xử được thực thi. Chính vì vậy, trong chế độ pháp quyền, toà án luôn được lựa chọn để bảo vệ quyền con người trong mọi hoàn cảnh kể cả trong TTKC.

Thứ ba, TTKC là một hoàn cảnh xã hội đặc biệt, trong đó với trách nhiệm chính trị – pháp lý, Chính phủ luôn phải ưu tiên mục tiêu kiểm soát an toàn xã hội, đẩy lùi tình TTKC nên khó tránh khỏi xảy ra hành vi xâm phạm quyền con người, hạn chế quyền con người thái quá. Ngoài ra, do tính phục tùng – mệnh lệnh của hệ thống cơ quan hành chính, việc công dân sử dụng các công cụ khiếu nại, yêu cầu cơ quan hành chính chống lại hành vi xâm phạm quyền con người của người có thẩm quyền, cơ quan cấp dưới trong tình trạng này là bất khả thi vì hệ thống đang ưu tiên mục tiêu quản lý TTKC. Điều này khiến cho việc yêu cầu Toà án bảo vệ quyền của cá nhân, công dân trong TTKC là phù hợp và khả thi nhất.

Thứ tư, Tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Do đó, kể cả dư luận xã hội sẵn sàng hay ủng hộ việc hạn chế quyền con người trong TTKC thì với vị trí độc lập hiến định, Tòa án phải công tâm, xem xét toàn diện và đưa ra phán quyết trên cơ sở pháp luật. Đây chính là yếu tố bảo đảm quyền con người được tôn trọng và bảo vệ trọn vẹn nhất với bản tính vốn có của nó.

Thứ năm, hoạt động xét xử của Tòa án công khai, minh bạch và nhanh chóng. Ngay cả khi trong TTKC, Tòa án cũng có khả năng đưa ra phán quyết dựa trên các quy định tương đối linh hoạt của pháp luật về tố tụng. Sự phát triển của khoa học công nghệ, cải cách thủ tục tố tụng theo hướng điện tử hoá cũng là những yếu tố góp phần tạo ra ưu thế của hoạt động xét xử trong việc bảo vệ quyền con người trong TTKC.

Với những ưu thế đó, Tòa án là chủ thể có ưu thế nhất trong các cơ quan nhà nước và có khả năng bảo vệ quyền con người cao nhất trong TTKC.

3. Thực trạng vai trò bảo vệ quyền con người của Tòa án trong tình trạng khẩn cấp ở Việt Nam

Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân9 . Thông qua hoạt động xét xử, Tòa án được pháp luật trao nhiều quyền hạn để bảo vệ quyền con người trong TTKC, trong đó có một số quyền hạn nổi bật sau:

Thứ nhất, Tòa án có quyền tổ chức xét xử để tuyên bố một quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái luật và yêu cầu các chủ thể có liên quan phải chấm dứt thi hành quyết định, hành vi hành chính trái pháp luật đó. Để ứng phó với TTKC, cơ quan hành pháp có thể áp dụng các biện pháp đình chỉ quyền con người hoặc thậm chí là đình chỉ việc thực thi một đạo luật. Việc thực thi quyền này luôn tiềm ẩn nguy cơ hành pháp lạm quyền, hạn chế thái quá quyền tư do của cá nhân, công dân. Tòa án với chức năng xét xử sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về việc có hay không hành vi lạm quyền, xâm phạm quyền con người và giải quyết hậu quả pháp lý nếu có hành vi, quyết định hành chính xâm phạm quyền con người. Qua đó, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của cá nhân, công dân.

Thứ hai, Tòa án có quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngay lập tức chống lại các hành vi có dấu hiệu xâm phạm quyền con người. Pháp luật về tố tụng hành chính quy định, trong tình thế cấp thiết và trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, bảo đảm việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể được áp dụng là tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính, tạm dừng việc thực hiện hành vi hành chính, cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định. Trong thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu của đương sự, Tòa án quyết định việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Thông qua việc quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Tòa án ngay lập tức có thể đình chỉ việc thực hiện một quyết định hay hành vi hành chính của cơ quan hành pháp có dấu hiệu xâm phạm quyền con người.

Thứ ba, Tòa án có quyền kiến nghị cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật nếu phát hiện văn bản đó có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

Trong TTKC, cơ quan hành pháp có quyền ban hành các văn bản chứa quy phạm pháp luật để áp dụng các biện pháp nhằm đình chỉ, hạn chế quyền con người trong một khoảng thời gian, không gian nhất định. Về nguyên tắc, các quyết định này không thể là đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính do không phải là quyết định cá biệt, nhưng để các quyết định này được thực thi thì nó phải được biểu hiện ra bên ngoài bởi các hành vi hành chính của người được giao nhiệm vụ thực thi các quyết định đó. Và nếu các hành vi này xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân thì họ có quyền khởi kiện để bảo vệ mình.

Trong trường hợp Tòa án đánh giá văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan hành chính trong TTKC là vi phạm Hiến pháp, pháp luật, xâm phạm quyền con người thì Tòa án có quyền không áp dụng các quy định đó vào việc giải quyết vụ án và kiến nghị đến cơ quan, người có thẩm quyền ban hành quyết định đó xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật đó. Quyền hạn này của Tòa án có thể được mở rộng bằng việc kiến nghị đến Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đình chỉ việc thi hành văn bản của cơ quan hành pháp.

So với một số nước trên thế giới, Tòa án Việt Nam có phần hạn chế khi không thể tuyên bố một văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan hành pháp là trái Hiến pháp, pháp luật và đình chỉ hiệu lực thi hành của văn bản pháp luật đó. Hạn chế này xuất phát từ Hiến pháp, khi đạo luật này quy định chỉ duy nhất Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội mới có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành văn bản pháp luật của cơ quan hành pháp. Ở Mỹ, một thẩm phán liên bang có quyền ngăn cản, hạn chế, hoặc trì hoãn việc thực hiện một sắc lệnh của Tổng thống (nắm quyền hành pháp) nếu nó vi hiến hoặc vi phạm luật. Gần đây nhất, một Thẩm phán liên bang Mỹ là James Robart, ngày 3/2/2017 đã ra phán quyết yêu cầu hoãn thi hành các điều khoản chính của sắc lệnh cấm nhập cảnh mà Tổng thống Donald Trump ký sau khi nhậm chức. Sắc lệnh này cấm người từ 7 quốc gia Hồi giáo lớn nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày và đình chỉ chương trình chấp nhận người tị nạn trong 120 ngày. Để quyền lực không tập trung quá mức cho hành pháp trong TTKC, để đảm bảo quyền con người, tự do và bình đẳng, ở nhiều nước, người ta phân chia quyền lực của nhà nước cho nhiều cơ quan khác nhau, tạo ra sự giám sát, đối trọng quyền lực lẫn nhau. Trao quyền lực cho Tòa án được đình chỉ, trì hoãn một văn bản của cơ quan hành pháp được đánh giá là phù hợp, tiến bộ, bảo đảm cho Tòa án có đầy đủ công cụ để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người.

Bên cạnh hạn chế nêu trên, Tòa án Việt Nam cũng được dự báo là sẽ đối diện với không ít những khó khăn trong hoạt động xét xử khi diễn ra TTKC. Quyền con người là quyền tự nhiên và cơ bản nhất của một con người. Khi quyền con người bị xâm phạm thì mức độ xung đột, bức xúc được báo động ở mức cao nhất. Trong tình trạng này, cần phải có một phán quyết kịp thời, nhanh chóng của Tòa án để giải tỏa các mâu thuẫn đó. Thế nhưng, trên thực tế, khi xảy ra TTKC, một số quyền con người bị tạm đình chỉ, như quyền tự do đi lại, tự do cư trú, các hoạt động tố tụng của Tòa án không thể diễn ra thuận lợi hoặc theo cách bình thường, thời hạn tố tụng bị kéo dài, việc thu thập tài liệu chứng cứ, làm rõ sự thật khách quan của vụ án bị đình trệ. Trong khi đó, pháp luật về tố tụng không xem TTKC là một trong những trường hợp được áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn. Dẫn đến nguy cơ Tòa án bị hạn chế quyền hạn, hạn chế khả năng bảo vệ quyền con người trong TTKC.

Thứ tư, từ hoàn cảnh dịch bệnh covid – 19, cho thấy việc yêu cầu Toà án chống lại hành vi xâm hại quyền bởi cơ quan nhà nước chưa được công dân lựa chọn. Mặc dù, đa số các biện pháp trái pháp luật, xâm phạm quyền con người được áp dụng bởi cơ quan nhà nước đều thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân, người dân vẫn không có ý niệm khởi kiện hành vi, văn bản đó ra Toà án.

Từ thực trạng pháp luật và thực tiễn trên, thiết nghĩ pháp luật Việt Nam cần được hoàn thiện các phương diện, gồm:

Thứ nhất, sửa đổi Hiến pháp theo hướng phân quyền cho Tòa án được đình chỉ, tạm đình chỉ việc thi hành các văn bản của cơ quan hành pháp trong TTKC nếu phát hiện các văn bản này có dấu hiệu vi phạm Hiến pháp, pháp luật.

Thứ hai, bổ sung thủ tục tố tụng đặc biệt, thủ tục tố tụng rút gọn trong TTKC để Tòa án rút ngắn thời gian xét xử khi diễn ra TTKC, kịp thời chống lại các hành vi xâm phạm quyền con người.

Thứ ba, từ thực tiễn phòng chống dịch covid-19, hành vi hạn chế, xâm hại quyền con người, quyền công dân của cơ quan nhà nước chủ yếu được thực hiện bằng cách ban hành văn bản pháp luật không đúng hình thức văn bản quy phạm pháp luật và có nội dung không thống nhất với quy định của pháp luật nên pháp luật cần trao cho Toà án thẩm quyền kiểm soát chúng.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện và phát triển các cơ sở pháp lý, công cụ, phương thức cho việc xét xử trực tuyến để bảo đảm nhiệm vụ bảo vệ quyền con người của Tòa án không bị đình trệ, gián đoạn trong thời gian diễn ra TTKC./.

Trích dẫn

  1. Sở Y tế Hà Tỉnh (2021) Công văn số 2114/SYT-NVY ngày 26/6/2021 về Việc dừng tiếp nhận người từ địa phương thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 và từ khu vực cách ly, chốt chặn về Hà Tỉnh làm việc;
  2. Thế Phong (2021), Thừa Thiên Huế dừng tiếp nhận công dân từ vùng dịch, https://baochinhphu.vn/thua-thien-hue- dung-tiep-nhan-cong-dan-tu-vung-dich-102297392.htm, truy cập ngày 25/5/2024;
  3. Uỷ ban nhân dân thành phố Vũng Tàu (2021) Công văn số 5065/UBND-VP, ngày 18/7/2021 về Việc tăng cuòng biện pháp kiểm soát người lưu thông ở thành phố này trong thời gian thực hiện giãn cách
  4. Anh Trọng và Trương Phong (2021) Quy định mới về giấy đi đường ở Hà Nội: Dân xếp hàng dài, chính quyền lúng túng đăng trên https://tienphong.vn/quy-dinh-moi-ve-giay-di-duong-o-ha-noi-dan-xep-hang-dai-chinh-quyen- lung-tung-post1364248.tpo, truy cập ngày 25/5/2024;
  5. Tạm thời phong toả toàn bộ huyện Nam sách đăng trên https://dangcongsan.vn/xa-hoi/hai-duong-tam-thoi-phong- toa-toan-bo-huyen-nam-sach-586647.html, truy cập 25/5/2024;
  6. Ủy ban nhân dân xã Chiềng Yên (2021), Công văn số 74/UBND ngày 30/12/2021 về Việc đôn đốc lao động đi làm ngoài tỉnh có nhu cầu trở về địa phương trong dịp tết nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
  7. Việc này được chỉ rõ tại Báo cáo số 597/BC-BQP ngày 20/02/2024 của Bộ Quốc phòng về Tổng kết thi hành pháp luật về tình trạng khẩn cấp từ năm 2000 đến năm 2023, trang 13.
  8. Tom Bingham (2023) Về pháp quyền, nxb. Tri Thừc, tr. 124;

Nguồn

HỘI THẢO KHOA HỌC “NGUYÊN TẮC PHÁP QUYỀN TRONG TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP Ở VIỆT NAM: NHẬN THỨC VÀ THỰC TRẠNG

Tác giả

Đặng Công Cường – Trường Đại học Luật, Đại học Huế

Luật sư Nguyễn Công Tín – Công ty Luật AMI, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng

Trên đây là nội dung bài viết “Vai trò của toà án trong bảo vệ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp ở Việt Nam” mà LDM (Legal de Minimis) chia sẻ đến bạn đọc. LDM được thành lập vào năm 2021 với mục tiêu cống hiến cho công cuộc giáo dục pháp lý của nước nhà. Cùng đội ngũ những luật gia trẻ và tràn đầy nhiệt huyết, LDM nỗ lực từng ngày để trở thành người dẫn đường và đồng hành cùng các thế hệ sinh viên theo đuổi đam mê với nghề Luật. Chúng tôi tự hào là một trong những tổ chức tiên phong về giáo dục, định hướng, kết nối và xây dựng một diễn đàn về học và hành nghề Luật tại Việt Nam. Với phương châm “Cuộc hành trình vĩ đại nào cũng bắt đầu từ những bước chân nhỏ nhất”, LDM mong rằng sẽ góp phần tạo nên nhiều hành trình ý nghĩa cùng thế hệ luật sư hiện tại và tương lai.

Để lại phản hồi

Các bài viết tương tự

NỘI DUNG CHÍNH

Youtube - Clip chia sẻ

Start typing to see products you are looking for.