1. Đặt vấn đề
Xây dựng nhà nước pháp quyền là xu thế tất yếu của xã hội hiện đại. Trên cơ sở điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, mỗi quốc gia có một mô hình nhà nước pháp quyền phù hợp. Rõ ràng rằng, nhà nước pháp quyền hiện thực là thành tựu của văn minh nhân loại, là biểu hiện về trình độ phát triển cao của dân chủ, pháp luật và quản trị nhà nước. Đồng thời, nhà nước pháp quyền là phương thức tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước tối ưu, hiệu quả, mà ở đó có sự ngự trị cao nhất của Hiến pháp, pháp luật, với nội dung thực hiện quyền lực nhân dân và vì sự văn minh, tiến bộ, phát triển con người và nhân loại.
Bên cạnh đó, tình trạng khẩn cấp là khái niệm pháp lý đã có từ lâu đời, chỉ trạng thái bất thường của xã hội xác định sau khi một tuyên bố chính thức được đưa ra bởi chủ thể có thẩm quyền, đánh dấu bước chuyển đổi của hệ thống chính trị từ trạng thái bình thường sang trạng thái đặc biệt nhằm đối phó với một tình huống bất ngờ xảy ra gây ra mối đe doạ nghiêm trọng đến sự tồn tại của quốc gia. Trong tình trạng khẩn cấp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền (thường là cơ quan hành pháp) sẽ thực hiện những biện pháp đặc biệt (ngoại lệ) mà trong bối cảnh thông thường không được phép áp dụng. Ngoại lệ trong bối cảnh của tình trạng khẩn cấp có mối quan hệ chặt chẽ với pháp quyền. Thực tiễn cho thấy, ngoại lệ và pháp quyền dường như có quan hệ tỉ lệ nghịch với nhau, nếu ngoại lệ nằm ngoài luật; và có quan hệ tỉ lệ thuận với nhau, nếu ngoại lệ nằm trong luật.
2. Khái niệm
2.1. Khái niệm tình trạng khẩn cấp
Có nhiều quan điểm khác nhau đưa ra khái niệm về tình trạng khẩn cấp. Tác giả Vũ Hồng Anh và Nguyễn Thị Thủy đưa ra khái niệm “TTKC là tình huống xảy ra khi thảm họa lớn do thiên nhiên, con người gây ra, khi dịch bệnh lây lan trên diện rộng vượt quá khả năng ứng phó của chính quyền, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tài sản của nhà nước và của tổ chức khác. TTKC có thể diễn ra trên một hoặc nhiều địa phương hay trên phạm vi cả nước. Khi áp dụng TTKC tất yếu sẽ dẫn đến việc hạn chế quyền tự do dân chủ, tự do cá nhân, trong nhiều trường hợp còn dẫn đến việc hạn chế quyền trong lĩnh vực chính trị, kinh tế-xã hội” [1]. Tác giả Đỗ Đức Minh cho rằng “TTKC được hiểu là một tuyên bố của chính phủ mà theo đó có thể tạm ngưng một số chức năng bình thường của chính phủ và có thể cảnh báo công dân của mình thay đổi các hành vi bình thường hoặc có thể ra lệnh cho các cơ quan của chính phủ thi hành các kế hoạch sẵn sàng cho TTKC. Nó cũng được sử dụng làm một cơ sở hợp lý để tạm ngừng các quyền tự do dân sự” [2]. Tác giả Vũ Công Giao và Nguyễn Anh Đức cho rằng “TTKC là tình huống đặc biệt ở một quốc gia mà trong đó nhà nước, đặc biệt là cơ quan hành pháp, được trao quyền thực hiện các hành động, hoặc áp đặt các biện pháp mà theo Hiến pháp sẽ không được phép thực hiện trong bối cảnh bình thường” [3]. Tại điều 4.(1) Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966 trực tiếp đã đề cập đến khái niệm “Tình trạng khẩn cấp đe doạ vận mệnh quốc gia” và “đã được chính thức công bố” [4]. Công ước Châu Âu về nhân quyền và Công ước Châu Mỹ về nhân quyền cũng có cách diễn đạt tương tự về khái niệm này. Khái niệm TTKC tại ICCPR được dùng để giải thích tại Bộ nguyên tắc Siracusa về các điều khoản giới hạn và tạm đình chỉ quyền con người trong ICCPR. Theo đó, TTKC là trạng thái mà một quốc gia đang hoặc sắp phải đối mặt với các mối đặc biệt hiểm nguy. Theo đó, mối nguy hiểm này đe doạ sự tồn vong của quốc gia đó. Hơn nữa, TTKC có thể ảnh hưởng tới toàn bộ dân chúng và gây nguy hiểm cho sự toàn vẹn của dân cư; ảnh hưởng một phần hoặc toàn bộ lãnh thổ quốc gia, gây nguy hiểm độc lập chính trị hoặc sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Trong TTKC, các quyền con người có nguy cơ bị xâm phạm do một số chức năng thiết yếu để bảo vệ quyền con người không được duy trì. Tuy nhiên, TTKC, theo quy định của Luật nhân quyền quốc tế, không bao gồm tình trạng khó khăn kinh tế đơn thuần hoặc xung đột nội bộ hay tình trạng hỗn loạn mà không đe dọa nghiêm trọng và cấp bách tới sự sống còn của quốc gia.
Từ một số quan điểm trên, chúng ta có thể nhận thấy một số đặc điểm chung của TTKC như:
– TTKC là tình trạng đặc biệt, một chế độ pháp lý đặc biệt của một quốc gia. – Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của quốc gia chính thức tuyên bố (declaration of state of emergency).
– Trong TTKC, cơ quan hành pháp được thực hiện hoặc áp dụng các biện pháp đặc biệt mà không được phép thực hiện trong bối cảnh bình thường theo quy định của Hiến pháp.
Như vậy, có thể khái niệm tình trạng khẩn cấp như sau: TTKC là tình trạng đặc biệt của một quốc gia và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của quốc gia chính thức tuyên bố, đòi hỏi cơ quan nhà nước có thẩm quyền (thường là cơ quan hành pháp) được trao một số quyền hạn và áp dụng một số biện pháp đặc biệt để vận hành, tổ chức thực hiện nhằm ổn định tình hình mà trong điều kiện thông thường không được phép sử dụng.
Lưu ý rằng, cần phải phân biệt rõ sự khác nhau giữa tình trạng khẩn cấp và tình huống khẩn cấp. Tình trạng khẩn cấp là là trạng thái mang tính pháp lý, còn tình huống khẩn cấp có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khẩn cấp.
2.2. Khái niệm pháp quyền
Xây dựng nhà nước pháp quyền là xu thế tất yếu của các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, mô hình nhà nước pháp quyền của mỗi quốc gia là khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của chính quốc gia đó.
Với tính chất là một nguyên tắc của quản trị tốt, pháp quyền là một nguyên tắc, theo đó tất cả mọi thành viên của xã hội (bao gồm cả nhà nước) đều phải tuân theo các quy định của pháp luật. Pháp quyền được coi là nguyên tắc pháp luật, vì đó là phương châm hoặc quy tắc cho sự quyết định, ngay cả trong những trường hợp còn hoài nghi hoặc không dự liệu trước được [5].
Với nghĩa là một nguyên tắc, nguyên tắc pháp quyền được hiểu là nguyên lý, tư tưởng chỉ đạo nhất thiết phải tuân theo với nội dung cốt lõi là quyền lực nhà nước được kiểm soát, ràng buộc với pháp luật, chỉ được và phải được thực hiện trên cơ sở và trong khuôn khổ pháp luật. Xét về mặt phạm vi, nguyên tắc pháp quyền không chỉ là một nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ở nhiều quốc gia trên thế giới, mà còn là nguyên tắc tổ chức đời sống xã hội, với ý nghĩa xã hội đó được tổ chức và vận hành, hoạt động dựa trên cơ sở pháp luật [6].
Ở Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 đã hiến định các đặc trưng về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 2, Điều 3, Điều 4, Điều 8,…) và tiếp tục được bổ sung, phát triển trong kỳ Đại hội XII (2016) và Đại hội XIII (2021): “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động” [7]. Các đặc trưng cơ bản về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được tổng kết, đánh giá và khái quát một cách khá đa dạng, phong phú, trong đó nhà nước “lấy pháp luật làm cơ sở pháp lý thống nhất cho việc điều hành mọi hoạt động của nhà nước, của xã hội, của công dân, dùng pháp luật làm chuẩn mực để phân biệt tính hợp pháp và không hợp pháp; việc được làm và không được làm trong thi hành pháp luật của các cơ quan và cán bộ nhân viên nhà nước, trong việc tuân thủ pháp luật của công dân” [8], tuy nhà nước đề cao vai trò của pháp luật trong xã hội, nhưng không tuyệt đối hóa vai trò của pháp luật; pháp luật phải thực sự tiến bộ, hiện đại, vì con người, vì sự phát triển bền vững.
Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra những định hướng lớn trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là: “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động” [9]; “Nhà nước quản lý, điều hành nền kinh tế bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết trên cơ sở các quy luật thị trường. Tăng cường công tác giám sát, chủ động điều tiết, giảm các tác động tiêu cực của thị trường, không can thiệp làm sai lệch các quan hệ thị trường”[10].
3. Mối quan hệ giữa ngoại lệ và nguyên tắc pháp quyền trong tình trạng khẩn cấp
Thực tiễn cho thấy, tình trạng khẩn cấp có thể ảnh hưởng lớn đến pháp quyền bởi những ngoại lệ mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện trong tình trạng khẩn cấp nhằm hạn chế, ngăn chặn hậu quả bất lợi xảy ra cho con người, cho cộng đồng, nhà nước và xã hội.
Trong tình trạng khẩn cấp, thông thường, nhà nước trao quyền cho cơ quan hành pháp để giải quyết, hạn chế, ngăn chặn hậu quả bất lợi xảy ra. Về lý thuyết, cơ quan hành pháp có thể thực hiện quyền lực phi thường trong tình trạng khẩn cấp mà không lạm dụng quyền lực của mình. Tuy nhiên, việc làm quyền hay không sẽ phụ thuộc vào tính cách của người điều hành và liệu anh ta có bổ sung thêm quyền lực thể chế của mình hay không [11]. Thực tế cho thấy, để nhằm ngăn chặn, hạn chế những thiệt hại xảy ra, cơ quan hành pháp bỏ qua các quy trình hành chính và pháp lý [12]. Trong điều kiện, hoàn cảnh đó, cơ quan hành pháp thường tạo ra ngoại lệ trong tình trạng khẩn cấp, và chỉ trong tình trạng khẩn cấp mới áp dụng những ngoại lệ này. Việc này xuất phát từ nhu cầu chính trị của các quốc gia nhằm thiết lập trật tự, và bổ sung các đối tượng của pháp luật và những thời điểm căng thẳng (tình trạng khẩn cấp). Vì lợi ích của con người, cộng đồng, nhà nước và xã hội, cơ quan có thẩm quyền (cơ quan hành pháp) kiểm soát các thể chế pháp lý và chịu trách nhiệm xây dựng hoặc xem xét lại luật trong một chế độ chưa hoàn thiện [13].
Học giả Oren Gross and Fionnuala Ní Aolái cho rằng tình trạng khẩn cấp làm giảm bớt cơ cấu pháp lý và hiến pháp của nhà nước (và thậm chí đình chỉ một phần của nó) và chỉ ra rằng các hệ thống kiểm tra và cân bằng pháp lý có thể chung xu hướng mất ổn định trong tình trạng khẩn cấp [14]. Carl Shmitt cho rằng quy định của pháp luật có thể bị suy yếu trong một hệ thống dân chỉ hiện đại vào thời điểm tình trạng khẩn cấp [15]. Agamben: tình trạng khẩn cấp mâu thuẫn với khía cạnh cơ bản của luật pháp, và liên quan đến chính trị nhiều hơn là luật pháp. Đó là tình trạng được coi là nằm ngoài pháp luật. Và ông ví tình trạng khẩn cấp nảy sinh “những thói quen xấu và những tội ác mà lẽ ra là phạm pháp bỗng nhiên được phép”[16]. Và thực tiễn đã chứng minh các quan điểm trên, phần lớn các trường hợp đã chứng minh rằng, việc áp đặt tình trạng khẩn cấp đã dẫn dến nhiều tác động tiêu cực đến nền pháp quyền, vì trong điều kiện, tình trạng đó, chính quyền nhận thấy thuận tiện trong việc kiểm soát nền kinh tế của đất nước [17].
Bên cạnh đó, theo Agamben, Agemben đã trích dẫn nhận định của Einesto Laclau “Xã hội đòi hỏi những nỗ lực không ngừng để xây dựng lại nền tảng. Và nếu tính đa dạng của các nhu cầu đòi hỏi một quá trình chuyển đổi và sửa đổi pháp lý liên tục”. Khi đó, “tình trạng khẩn cấp sẽ không còn là ngoại lệ và trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình xây dựng chính trị của mối quan hệ xã hội [18]. Nếu có Luật tình trạng khẩn cấp, thì cơ quan hành pháp sẽ dễ dàng hơn để làm việc trong tình trạng khẩn cấp. Học giả Benjamin đã khẳng định: Khi có luật quy định – tình trạng khẩn cấp không còn là một ngoại lệ nữa [19]. Pháp luật có hai thuộc tính (1) tính ổn định; (2) tính biến đổi. Trong tình trạng khẩn cấp, chúng ta cố gắng làm giảm thiểu tính biến đổi, tính tùy tiện. Luật pháp hoàn thành mục tiêu này bằng cách xác định các quy tắc nhằm giảm thiểu tính biến đổi và tính tùy tiện liên quan đến hành động tùy ý [20]. Nếu hệ thống pháp luật hoàn thiện thì ngoại lệ trong tình trạng khẩn cấp được thực hiện, nhưng không tùy tiện, các nguyên tắc pháp quyền được thực hiện một cách triệt để. Điều này có nghĩa là, ngoại lệ là ngoài các quy định pháp luật thông thường nhưng trong quy định của pháp luật – quy định pháp luật về ngoại lệ cho những trường hợp đặc biệt. Theo Gross và Ni Aolain thì tình trạng khẩn cấp là được tạo ra từ quy định của pháp luật [21]. Hiến pháp của một quốc gia sẽ mô tả các tình huống có thể dẫn đến việc ban bố tình trạng khẩn cấp, xác định các thủ tục cần tuân theo và chỉ định các giới hạn đối với quyền hạn khẩn cấp và các quyền có thể bị đình chỉ [22].
Như vậy, có thể thấy rằng, do luật pháp bị bó hẹp, không đủ quy định để thực hiện trong tình trạng khẩn cấp, do đó khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải đình chỉ luật pháp thì mới giải quyết được những rủi ro. Khi đó, các nguyên tắc pháp quyền bị phá vỡ. Ngược lại, nếu luật pháp đầy đủ (quy định đầy đủ), cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ căn cứ vào những quy định đó mà triển khai thực hiện, ứng phó với rủi ro, không còn phải đình chỉ pháp luật nữa. Khi đó, các biện pháp đặc biệt được cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện trong tình trạng khẩn cấp là các biện pháp được quy định trong hệ thống pháp luật, nghĩa là ngoại lệ nằm trong quy định của pháp luật, yếu tố pháp quyền được thực hiện.
4. Thực trạng ngoại lệ và nguyên tắc pháp quyền ở việt nam trong thời gian diễn ra dịch covid-19
Từ trước đến nay, Việt Nam mặc dù xảy ra nhiều trường hợp có thể ban bố tình trạng khẩn cấp, xong, chúng ta chưa lần nào ban bố tình trạng khẩn cấp. Đối với TTKC về dịch bệnh, thực tế từ trước đến nay, WHO đã công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu với 6 loại dịch bệnh [23], nhưng Việt Nam chưa lần nào ban bố TTKC. Có thể kể ra như năm 2009, số lượng người mắc virus H5N1 ở Việt Nam lên tới gần 10000 người, 22 ca tử vong, thời điểm đó chúng ta cũng không công bố TTK [24].
Riêng đối với đại dịch COVID-19, có thể nói đây là một đại dịch ảnh hưởng đến toàn cầu nói chung và Việt Nam nói chung. Đại dịch xảy ra từ tháng 12 năm 2019, đến năm 2022, Việt Nam đã trải qua 4 làn sóng về đại dịch COVID-19. Làn sóng thứ nhất từ ngày 23 tháng 01 năm 2020 đến ngày 16 tháng 4 năm 2020, với ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh do nhập cảnh từ Vũ Hán (Trung Quốc). Trong làn sóng thứ nhất này, Việt Nam có 415 ca nhiễm và không có ca nào chết. Làn sóng thứ hai từ ngày 25 tháng 7 năm 2020 đến ngày 01 tháng 12 năm 2020, nơi có nhiều ca nhiễm nhất là ở Đà Nẵng. Làn sóng thứ hai với 1.163 người nhiễm và 35 người chết. Làn sóng thứ ba từ ngày 28 tháng 01 năm 2021 đến ngày 25 tháng 3 năm 2021, bắt nguồn từ một ca nhiễm ở Hải Dương. Làn sóng thứ ba có 1.301 ca nhiễm và không có người chết. Làn sóng thứ tư từ ngày 27 tháng 4 năm 2021 và đến hết tháng 01 năm 2022 vẫn chưa kết thúc. Tính đến ngày 02 tháng 8 năm 2022, Việt Nam có 10,8 triệu người nhiễm COVID-19 và số người chết là 43.093 người 25. Dịch COVID-19 xảy ra trên khắp cả nước với 63/63 tỉnh, thành. Đại dịch COVID-19 bùng phát có quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh nhất từ trước đến nay so với các dịch bệnh khác với diễn biến rất phức tạp, khó lường, nguồn cung ứng vắc xin còn hạn chế, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế – xã hội, đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, lao động. Để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, Quốc hội đã giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; áp dụng biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc, sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong TTKC để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan [26].
Như vậy, mặc dù không ban bố TTKC về dịch bệnh COVID-19, nhưng trường hợp về dịch bệnh COVID-19 đặc biệt khác với các tình huống khác, đó là việc Quốc hội đã trao thẩm quyền cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ áp dụng các biện pháp như trong TTKC để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan. Để công tác phòng chống dịch có hiệu quả, Chính phủ đã ban hành 03 Chỉ thị phòng chống dịch, đó là: (1) Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020; (2) Chỉ thị số 16/ CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31 tháng 3 năm 2020; và Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020. Đây là 3 kịch bản phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tùy theo tình hình của mình, các địa phương có thể áp dụng kịch bản theo một trong ba cách trên.
Bảng so sánh các cấp độ của Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 16 và Chỉ thị số 19
Chỉ thị 16 | Chỉ thị 15 | Chỉ thị 19 | |
Tập trung đông người | – Cách ly toàn xã hội. Mọi người dân phải ở nhà, chủ ra ngoài khi thật sự cần thiết
– Không tập trung quá 02 người ngoài công sở, bệnh viện, trường học và nơi công cộng |
– Dừng các sự kiện tập trung trên 20 người 1 phòng.
– Dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí. – Không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài công sở, bệnh viện, trường học. |
– Dừng lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người.
– Không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài công sở, bệnh viện, trường học. – Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc TW có nguy cơ: Không tập trung quá 20 người. – Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc TW có mức nguy cơ thấp: Không tập trung quá 30 người. |
Khoảng cách an toàn | Khoảng cách an toàn giữa 2 người là tối thiểu 2m | Khoảng cách an toàn giữa 2 người là tối thiểu 2m | Khoảng cách an toàn giữa 2 người là tối thiểu 1m |
Các cơ sở kinh doanh | – Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
– Các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được hoạt động nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch |
– Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
– Các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được mở cửa. |
– Tạm đình chỉ họat động các cơ sở kinh doanh không thiết yếu: karaoke, quán bar, mát-xa, cơ sở làm đẹp, vũ trường,…
– Mở cửa trở lại + Nhà hàng, khách sạn, quán ăn, bán buôn, bán lẻ,… + Khu tập luyện thể thao, khu di tích, danh lam thắng cảnh. |
Hoạt động vận tải | – Dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, trừ trường hợp cần thiết.
– Hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân |
– Hạn chế di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác.
– Hạn chế các chuyến bay từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến nơi khác. |
– Dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng, liên tỉnh, nội tỉnh được hoạt động trở lại.
– Dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không áp dụng các biện pháp phù hợp đặc thù, bảo đảm an toàn cho hành khách. |
Trên cơ sở của 3 Chỉ thị trên, các địa phương đã triển khai thực hiện một số biện pháp tạm đình chỉ quyền con người, quyền công dân như: kiểm soát, cách ly bắt buộc với người nhập cảnh, đóng cửa trường học, hạn chế đi lại, khai báo y tế, cách ly toàn xã hội, xử lý nguồn lây bệnh, ổ dịch, quản lý lây nhiễm chéo tại cơ sở y tế, quản lý nguy cơ lây nhiễm ở các nhóm nguy cơ cao và trường hợp cần cách ly v.v…Tuy nhiên, một số địa phương áp dụng một số biện pháp mà chưa từng được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, chẳng hạn như việc hạn chế ra, vào vùng không có dịch [27] do các địa phương sợ người nhiễm bệnh từ địa phương khác vào địa phương mình, hoặc quy định ngày phải trở về gia đình để nếu có nhu cầu trong dịp lễ, tết [28]. Đây là những ngoại lệ, thậm chí là những biện pháp đó vi phạm pháp luật, trong TTKC do COVID-19 mà một số địa phương tạo ra. Tuy nhiên, người dân thì ‘chấp nhận” những vi phạm của cơ quan nhà nước để thực hiện phòng, chống COVID-19, bởi COVID-19 mới là đáng sợ hơn là sự vi phạm pháp luật của cơ quan nhà nước trong trường hợp này, còn một số cơ quan nhà nước đã thu hồi, bãi bỏ, điều chỉnh các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân khi biết sai, một số cơ quan nhà nước thì cũng để mặc, miễn là công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả.
Nhiều địa phương đã đưa ra một số quy định hạn chế quyền đi lại của công dân. Ngoài việc cấm ra, vào vùng dịch, nhiều địa phương còn cấm người từ vùng dịch về địa phương làm việc, sử dụng một số phương tiện cá nhân, sử dụng một số loại giấy phép đi lại. Ví dụ: Sở Y tế Hà Tĩnh có văn bản hỏa tốc số 2114/ SYT-NVY ngày 25 tháng 6 năm 2021 về việc dừng tiếp nhận người từ địa phương thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 và từ khu vực cách ly, chốt chặn về Hà Tĩnh làm việc. Tuy nhiên, không có quy định pháp luật nào cho phép Sở Y tế ban hành lệnh cấm này. Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng ban hành văn bản có nội dung “tuyệt đối không tiếp nhận công dân đến từ/trở về thành phố Đà Nẵng đến địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (trừ các trường hợp thực thi công vụ và có ý kiến của Ban chỉ đạo)” [29]. Hoặc trường hợp Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) đã ban hành Công văn số 5065/UBND-VP ngày 18 tháng 7 năm 2021 về việc tăng cường biện pháp kiểm soát người lưu thông ở thành phố này trong thời gian thực hiện giãn cách [30]. Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu kiên quyết thực hiện việc không cho người lao động đi xe máy đến nơi làm, để đảm bảo được yếu tố an toàn cho người lao động, đặc biệt là để duy trì sản xuất. Tuy nhiên, ngày 19 tháng 7 năm 2021, Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu phải ban hành Công văn số 5092/UBND-VP bãi bỏ Công văn số 5065/UBND-VP ngày 18 tháng 7 năm 2021 nêu trên và hướng dẫn lưu thông trên địa bàn TP.Vũng Tàu trong thời gian tỉnh áp dụng Chỉ thị 16 [31]. Ngay cả Thủ đô Hà Nội cũng gặp khó khăn trong việc quy định quyền đi lại của công dân. Trong vòng chưa đầy 2 tháng, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã 04 lần ban hành quy định thay đổi mẫu giấy đi đường nhằm hạn chế quyền đi lại của công dân [32]. Những lần thay đổi hình thức giấy đi đường khiến người dân và doanh nghiệp “không kịp trở tay” vì Chỉ thị có hiệu lực tức thì. Người dân bức xúc vì những thay đổi quyết liệt của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện Chỉ thị cũng lúng túng không biết xử lý như thế nào trước yêu cầu mới của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, các địa phương cũng thực hiện phong tỏa theo nhiều cách khác nhau. Đã có trường hợp chỉ một khu vực nhỏ đã xảy ra dịch bệnh; tuy nhiên một khu vực rộng lớn bị cách ly. Chẳng hạn, một người đàn ông bị nhiễm COVID-19 không đi đâu, chỉ liên lạc với người nhà nhưng UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo cách ly cả một xã [33]. Trường hợp khác 5 người trong một gia đình dương tính với COVID-19, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo phong tỏa toàn bộ huyện Nam Sách [34]. Ủy ban nhân dân xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La có Công văn số 74/UBND ngày 30 tháng 12 năm 2021 về việc đôn đốc lao động đi làm ngoài tỉnh có nhu cầu trở về địa phương trong dịp tết nguyên đán Nhâm Dần năm 202235. (phải trở về trước ngày 10/01/2022 để kịp thời gian cách ly).
Có thể thấy, thực trạng “hỗn loạn” trong việc đặt ra quy định ‘ngoại lệ’ không đúng với quy định của Hiến pháp và pháp luật của các cơ quan nhà nước trong thời gian dịch bệnh COVID-19, đó là:
– Thứ nhất, các quy định về hạn chế quyền con người, quyền công dân được quy định không phải ở luật.
– Thứ hai, các quy định về hạn chế quyền con người, quyền công dân phải được ban hành dưới dạng văn bản hành chính thông thường chứ không phải văn bản quy phạm pháp luật.
– Thứ ba, các quy định về hạn chế quyền con người, quyền công dân được quy định bởi cả cơ quan không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
– Thứ tư, các cơ quan quy định các biện pháp chưa từng có trong các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện công tác phòng, chống COVID-19. Có thể nhận thấy, các ngoại lệ trong thời gian diễn ra dịch COVID-19 đã làm cho nguyên tắc pháp quyền không được thực hiện một cách triệt để.
5. Kết luận
Ngoại lệ và các nguyên tắc pháp quyền trong tình trạng khẩn cấp là hai đại lượng dường như có quan hệ tỷ lệ ngịch, nếu ngoại lệ nằm ngoài luật; và có quan hệ tỉ lệ thuận với nhau, nếu ngoại lệ nằm trong luật. Vì vậy, để xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền, cần phải tối ưu đại lượng “pháp quyền”, cũng đồng nghĩa với việc giảm đại lượng “ngoại lệ” nằm ngoài luật về số “không”. Điều này có nghĩa là “ngoại lệ” nhưng không “ngoài luật” mà trong luật. Bởi lẽ, tình trạng khẩn cấp là được tạo ra từ quy định của pháp luật mà ra. Để làm được điều đó, chúng ta cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là khẩn trương xây dưng Luật Tình trạng khẩn cấp để quy định rõ hơn, cụ thể hơn, toàn diện hơn những vấn đề nảy sinh trong tình trạng khẩn cấp nhằm, không ngừng tăng cường thực hiện triệt để các nguyên tắc pháp chế.
Trích dẫn
1 Vũ Hồng Anh và Nguyễn Thị Thủy (2020), Bảo đảm quyền con người trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Law on the State of emergency”, NXB Hồng Đức, Hà Nội, tr. 481.
2 Đỗ Đức Minh (2020), Pháp luật Việt Nam về tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật và giới nghiêm và những vấn đề đặt ra, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Law on the State of emergency”, NXB Hồng Đức, Hà Nội, tr. 547.
3 Nguyễn Anh Đức và Vũ Công Giao (2020), Một số vấn đề lý luận về tình trạng khẩn cấp, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Law on the State of emergency”, NXB Hồng Đức, Hà Nội, tr. 418.
4 UN (1966), “Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị”.
5 Nguyễn Minh Tuấn (2022), Thực hiện nguyên tắc pháp quyền ở Việt Nam: thực trạng và giải pháp, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 18 (466), tháng 9/2022
6 Nguyễn Minh Tuấn (2022), Thực hiện nguyên tắc pháp quyền ở Việt Nam: thực trạng và giải pháp, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 18 (466), tháng 9/2022
7 Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 284
8 Viện Khoa học Pháp lý: Từ điển Luật học, Nxb. Từ điển Bách khoa, Tư pháp, Hà Nội, 2006, tr. 350
9 Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 284.
10 Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 285, 44, 53, 174 – 175, 203, 176
11 Ralf Salam (2017), The relationship between states of emergency, politics and the rule of law, Canterbury Law Review, Vol 23,2017, p.17
12 Ralf Salam (2017), The relationship between states of emergency, politics and the rule of law, Canterbury Law Review, Vol 23,2017, p.17.
13 Ralf Salam (2017), The relationship between states of emergency, politics and the rule of law, Canterbury Law Review, Vol 23,2017. P.16.
14 Oren Gross and Fionnuala Ní Aolái (2006), Law in Times of Crisis, Cambridge University Press, Cambridge, 2006, p.17.
15 John P McCormick (1997), The Dilemmas of Dictatorship: Carl Schmitt and Constitutional Emergency Powers, (1997) 10 CJLJ, p. 163 – 187.
16 Giorgio Agamben (1998), Sovereign Power and Bare Life, Stanford University Press, Palo Alto, p.8.
17 Ralf Salam (2017), The relationship between states of emergency, politics and the rule of law, Canterbury Law Review, Vol 23, 2017, p.17.
18 Giorgio Agamben (1998), Sovereign Power and Bare Life, Stanford University Press, Palo Alto, p.16.
19 Walter Benjamin, Gershom Scholem and Theodor W Adorno (1994), The Correspondence of Walter Benjamin, University of Chicago Press, Chicago, 1994, p.6465
20 Chandle Robbins (1878), Memoir of the Hon Benjamin Robbins Curtis, LLD (J Wilson and Son, Cambridge, MA, p.280281.
21 Oren Gross and Fionnuala Ní Aolái (2006), Law in Times of Crisis, Cambridge University Press, Cambridge, 2006, p.1127.
22 Ralf Salam (2017), The relationship between states of emergency, politics and the rule of law, Canterbury Law Review, Vol 23,2017, p.22.
23 Đại dịch cúm A/H1N1 năm 2009, bệnh bại liệt năm 2014, đại dịch Ebola ở Tây Phi năm 2014, dịch do virus Zika năm 2016, đại dịch Ebola ở Cộng hòa dân chủ Congo năm 2019 và Đại dịch Covid-19 năm 2019.
24 Cục Y tế dự phòng Cục (2020), Vì sao Việt Nam chưa công bố tình trạng khẩn cấp?, truy cập ngày 8 tháng 01- 2022, tại trang web https://vncdc.gov.vn/vi-sao-viet-nam-chua-cong-bo-tinh-trang-khan-cap-nd15085.html.
25 Bộ Y tế Bộ (2022), Cổng thông tin của Bộ Y tế về đại dịch COVID-19, truy cập ngày 8 tháng 01-2022, tại trang web https://covid19.gov.vn/.
26 Quốc hội (2021), Nghị quyết số 30/2021/QH15 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV ngày 28 tháng 7 năm 2021.
27 Sở Y tế Hà Tĩnh sở (2021), Công văn số 2114/ SYT-NVY ngày 25 tháng 6 năm 2021 về việc dừng tiếp nhận người từ địa phương thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 và từ khu vực cách ly, chốt chặn về Hà Tĩnh làm việc.
28 Ủy ban nhân dân xã Chiềng Yên ủy (2021), Công văn số 74/UBND ngày 30 tháng 12 năm 2021 về việc đôn đốc lao động đi làm ngoài tỉnh có nhu cầu trở về địa phương trong dịp tết nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
29 Thế Phong (2021), Thừa Thiên- Huế dừng tiếp nhận công dân từ vùng dịch, truy cập ngày 10-01-2022, tại trang web http://baochinhphu.vn/Xa-hoi/Thua-Thien-Hue-dung-tiep-nhan-cong-dan-tu-vung-dich/440774.vgp.
30 Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu ủy (2021), Công văn số 5065/UBND-VP ngày 18 tháng 7 năm 2021 về việc tăng cường biện pháp kiểm soát người lưu thông ở thành phố này trong thời gian thực hiện giãn cách.
31 Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu ủy (2021), Công văn số 5092/UBND-VP ngày 19 tháng 7 năm 2021 hướng dẫn lưu thông trên địa bàn TP.Vũng Tàu trong thời gian tỉnh áp dụng Chỉ thị 16.
32 Anh Trọng và Trương Phong trọng (2021), Quy định mới về giấy đi đường ở Hà Nội: Dân xếp hàng dài, chính quyền lúng túng, truy cập ngày 11-01-2022, tại trang web https://tienphong.vn/quy-dinh-moi-ve-giay-di-duong-o-ha- noi-dan-xep-hang-dai-chinh-quyen-lung-tung-post1364248.tpo.
33 Trung Du (2021), Hà Nam: Một F2 dương tính với COVID-19, cách ly cả xã ngay trong đêm, truy cập ngày 10-01- 2022, tại trang web https://laodong.vn/y-te/ha-nam-mot-f2-duong-tinh-voi-covid-19-cach-ly-ca-xa-ngay-trong-dem- 909693.ldo.
34 Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hải Dương cổng (2021), Tạm thời phong toả toàn bộ huyện Nam Sách để đánh giá tình hình dịch tễ liên quan ca bệnh mới phát sinh, truy cập ngày 10-01-2022, tại trang web http://haiduong.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=10851&title=tam-thoi-phong-toa-toan-bo-huyen-nam-sach- de-danh-gia-tinh-hinh-dich-te-lien-quan-ca-benh-moi-phat-sinh.htm.
35 Ủy ban nhân dân xã Chiềng Yên ủy (2021), Công văn số 74/UBND ngày 30 tháng 12 năm 2021 về việc đôn đốc lao động đi làm ngoài tỉnh có nhu cầu trở về địa phương trong dịp tết nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Nguồn
HỘI THẢO KHOA HỌC “NGUYÊN TẮC PHÁP QUYỀN TRONG TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP Ở VIỆT NAM: NHẬN THỨC VÀ THỰC TRẠNG”
Tác giả
ThS. Lê Thị Diệp – Giảng viên trường Đại học Đại Nam
Nguyễn Đình Toàn – Thanh Tra Bộ Xây dựng
Trên đây là nội dung bài viết “Ngoại lệ và nguyên tắc pháp quyền trong tình trạng khẩn cấp” mà LDM (Legal de Minimis) chia sẻ đến bạn đọc. LDM được thành lập vào năm 2021 với mục tiêu cống hiến cho công cuộc giáo dục pháp lý của nước nhà. Cùng đội ngũ những luật gia trẻ và tràn đầy nhiệt huyết, LDM nỗ lực từng ngày để trở thành người dẫn đường và đồng hành cùng các thế hệ sinh viên theo đuổi đam mê với nghề Luật. Chúng tôi tự hào là một trong những tổ chức tiên phong về giáo dục, định hướng, kết nối và xây dựng một diễn đàn về học và hành nghề Luật tại Việt Nam. Với phương châm “Cuộc hành trình vĩ đại nào cũng bắt đầu từ những bước chân nhỏ nhất”, LDM mong rằng sẽ góp phần tạo nên nhiều hành trình ý nghĩa cùng thế hệ luật sư hiện tại và tương lai.