1. Quyền riêng tư trong tình trạng khẩn cấp
Quyền riêng tư là quyền của cá nhân được tư do trong phạm vi riêng tư của mình, bao gồm sự bất khả xâm phạm về các thông tin cá nhân, cơ thể, thông tin liên lạc và nơi cư trú [1]. Quyền riêng tư trao cho các cá nhân việc lựa chọn công khai hoặc không công khai các nội dung thuộc về đời sống riêng tư của mình mà không bị bất kỳ cá nhân, tổ chức nào tuỳ tiện sử dụng. Quyền này chỉ bị hạn chế trong trường hợp cần thiết theo luật định vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, lợi ích công cộng và sức khoẻ cộng đồng. Quyền riêng tư có khách thể tương đối rộng, bao gồm các thông tin riêng tư, đời sống riêng tư, đối tượng giao tiếp riêng tư và cả không gian riêng tư nên việc giữ gìn cho các khách thể của quyền này phải được duy trì và được nhiều bên tự giác thực hiện nghiêm túc; luôn tiềm ẩn nguy cơ bị xâm hại nếu không được bảo vệ đầy đủ, toàn diện và liên tục.
Để giữ gìn an toàn cho quyền riêng tư, pháp luật quốc gia cũng như pháp luật quốc tế đều đặt ra nhiều cách thức và biện pháp để chống lại hành vi xâm hại, đe doạ các khách thể của quyền này. Ở phạm vi quốc tế, quyền riêng tư đã được đề cập và quy định trong rất nhiều văn kiện như “Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1949” (UDHR), “Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966” (ICCPR), “Công ước về quyền trẻ em năm 1989” … và được đánh giá là một trong các quyền con người quan trọng và cơ bản. Cụ thể, Điều 12 UDHR khẳng định: “Không ai phải chịu sự can thiệp một cách tùy tiện vào sự riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, hay bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp và xâm phạm như vậy”. Ở phạm vi quốc gia, nội hàm quan trọng nhất của quyền riêng tư là sự bất khả xâm phạm về chỗ ở, đời sống riêng tư, danh dự, uy tín đã được đề cập tại Điều 21 Hiến pháp năm 2013 khi quy định “Tất cả mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”. Mọi thông tin về đời sống riêng tư, bí mật gia đình, bí mật cá nhân đều được bảo vệ an toàn bằng bởi pháp luật, những hành vi “kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác” đều bị pháp luật cấm [2]. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác; Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dự liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định [3]. Ngôn ngữ pháp lý của các quy định trên cho thấy quyền riêng tư của cá nhân không phải là quyền tuyệt đối. Các chủ thể khác có quyền thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân; thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dự liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác nếu được pháp luật cho phép. Đối sánh các quy định trên với nguyên tắc giới hạn quyền con người trong Điều 14 Hiến pháp 2013 và Điều 17 của ICCPR thấy rõ được tính có giới hạn của quyền này. Do có tính giới hạn nên luôn có xung đột giữa yêu cầu tôn trọng quyền của chủ thể quyền với nhu cầu thu thập, sử dụng thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật đời tư; thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dự liệu điện tư của các bên có liên quan, đặc biệt là Nhà nước khi có lý do chính đáng và được Hiến định, trong đó bao gồm cả “tình trạng khẩn cấp”.
Theo Điều 1 Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000 thì “Tình trạng khẩn cấp là tình huống xảy ra khi thảm họa lớn do thiên nhiên, con người gây ra, khi dịch bệnh lây lan trên diện rộng vượt quá khả năng ứng phó của chính quyền, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tài sản của nhà nước và của tổ chức khác”. Tình trạng khẩn cấp có thể diễn ra trên một hoặc nhiều địa phương hay trên phạm vi cả nước. Khi áp dụng tình trạng khẩn cấp tất yếu sẽ dẫn đến việc hạn chế quyền tự do dân chủ, tự do cá nhân, trong nhiều trường hợp còn dẫn đến việc hạn chế quyền trong lĩnh vực chính trị, kinh tế-xã hội. Các văn bản luật chuyên ngành xác định cụ thể những điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp đều viện dẫn pháp luật về tình trạng khẩn cấp, cụ thể: Luật Quốc phòng xác định điều kiện khi có nguy cơ trực tiếp bị xâm lược hoặc đã xảy ra hành vi xâm lược hoặc bạo loạn có vũ trang nhưng chưa đến mức tuyên bố tình trạng chiến tranh (khoản 10 Điều 2); Luật Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm xác định điều kiện khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế – xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp (khoản 1 Điều 42); Luật Thú y xác định điều kiện trường hợp dịch bệnh động vật lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế – xã hội (khoản 6 Điều 28)…[4].
Có thể thấy tình hình dịch bệnh lây lan trên diện rộng là một trong những trường hợp được pháp luật Việt Nam xếp vào “tình trạng khẩn cấp” bởi tính chất nguy hiểm, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người dân. Dịch bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm tử vong và hậu quả sức khỏe kéo dài. Bằng cách xếp dịch bệnh vào “tình trạng khẩn cấp”, chính quyền và các cơ quan y tế có thể triển khai các biện pháp khẩn cấp, như cách ly xã hội, kiểm soát giãn cách, và tăng cường khả năng chăm sóc y tế, nhằm giảm thiểu tác động và cứu sống người dân. Trong bối cảnh đó, ưu tiên quyền sống còn của tất cả tầng lớp dân cư là nhiệm vụ cấp bách và tối thượng. Để đảm bảo được tính mạng và an 4 Vũ Hồng Anh, Nguyễn Thị Thủy (2020), Bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam, Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 10 (410) toàn sức khỏe của mọi người, việc đặt ra giới hạn cho một số quyền con người là yêu cầu thiết yếu không thể phủ nhận, như quyền tự do đi lại, quyền giáo dục và có cả quyền riêng tư. Vì vậy, việc pháp luật đặt ra các quy định để yêu cầu cá nhân phải công khai thông tin đời tư, thông tin riêng tư và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; sử dụng thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật đời tư mà thông thường không được phép nhằm phòng, chống dịch bệnh hiệu quả là phù hợp với quy định của Hiến pháp và ICCPR. Song, điều này lại dẫn đến một số chủ thể đã lạm dụng thu thập thông tin, yêu cầu cá nhân công khai thông tin riêng tư, bí mật đời tư, lưu giữ và sử dụng thông tin riêng tư khiến cho quyền này càng dễ bị tổn thương và khó bảo vệ trên thực tế.
2. Giới hạn quyền riêng tư trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam
Dịch bệnh Covid -19 là đại dịch đe doạ nghiêm trọng đến sức khoẻ, tính mạng của cộng đồng không chỉ trong lãnh thổ Việt Nam mà rộng khắp trên phạm vi thế giới. Bộ Y tế đã bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (ncov) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A (bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh) theo quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 [5] . Tuy vậy, khi mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố dịch nCoV là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu thì Việt Nam vẫn không ban bố “tình trạng khẩn cấp” quốc gia, mặc dù tình hình diễn biến dịch bệnh vô cùng phức tạp, đặc biệt đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 tại TPHCM và các tỉnh phía Nam với biến chủng Delta lây lan rất nhanh và sâu trong cộng đồng, số ca tử vong ngày càng tăng. Để ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục được thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm mà trực tiếp là Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Điều 42 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định trường hợp dịch bệnh lây lan trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế – xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp. UBTVQH ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp UBTVQH không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.
Có thể thấy cả UBTVQH và Chủ tịch nước Việt Nam đều không có bất kỳ nghị quyết hay lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp nào. Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM và các tỉnh phía Nam đã lý giải vì sao Việt Nam không ban bố tình trạng khẩn cấp mà điều động một lực lượng chưa có tiền lệ (cả y tế, quân đội, công an) tham gia chống dịch. Sau nhiều lần họp và làm việc trực tiếp với các địa phương, Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ nhận thấy nhiều vấn đề cần phải quan tâm, nếu như áp dụng các biện pháp khẩn cấp để kiểm soát dịch bệnh thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, tình cảm của người dân lúc bấy giờ, có thể tác động xấu đến dư luận của khu vực và quốc tế. Đặc biệt, nếu Việt Nam ban bố tình trạng khẩn cấp thì các thế lực thù địch sẽ lợi dụng xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch [6] . Tuy thiếu đi một quyết định ban bố “tình trạng khẩn cấp”, song rõ ràng các hành động thực tế khi phòng, chống dịch Covid-19 của hệ thống các cơ quan đều là biểu hiện rõ nét cho việc phòng, chống “dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước và của tổ chức, tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân”. Việt Nam đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội ở các mức độ khác nhau theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Các biện pháp giãn cách được đưa ra gồm: các nhà máy, công xưởng, trường học, nhà thờ, nhà chùa, các khu du lịch, danh lam thắng cảnh, khu vui chơi giải trí tạm ngừng hoạt động; các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch tạm đình chỉ; các sự kiện tập trung đồng người, các cuộc hội họp, hội thảo tạm hoãn tổ chức (hoặc thay đổi hình thức từ trực tiếp sang trực tuyến); hoạt động giao thông công cộng, hoạt động xuất, nhập cảnh bị hạn chế tối đa. Do đó, việc đánh giá đại dịch Covid-19 là một trong các trường hợp thuộc tình trạng khẩn cấp là phù hợp và khả thi. Điều này lại đưa đến câu chuyện về việc hạn chế các quyền con người nói chung, quyền riêng tư nói riêng trong hoàn cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19 liệu đã phù hợp với tinh thần của pháp luật quốc tế và giới hạn quyền con người theo pháp luật Việt Nam?
Cụ thể, ở góc độ quốc tế, quy định về việc giới hạn quyền riêng tư được đề cập tại Bình luận chung số 16 của Ủy ban nhân quyền giải thích rõ hơn Điều 17 “Quyền riêng tư” trong ICCPR cũng đã khẳng định “Không một sự can thiệp nào về đời tư có thể được chấp thuận trừ những trường hợp được quy định bằng luật pháp. Việc can thiệp theo thẩm quyền của Nhà nước chỉ được thực hiện trên nền tảng luật pháp và những sự cho phép đó phải tuân thủ các quy định, đối tượng và mục đích của Công ước”[7] . Theo đó, quyền riêng tư không phải là quyền tuyệt đối, nó vẫn có thể bị giới hạn trong một số trường hợp luật định. Điều này yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên cần phải xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp và hợp lý để điều chỉnh rõ các trường hợp có thể “can thiệp” làm hạn chế quyền riêng tư, tránh đi các trường hợp tùy tiện và lạm quyền có thể xảy ra trên thực tế. Sự “can thiệp” này không chỉ phải tuân theo pháp luật quốc gia mà còn phải tuân thủ và phù hợp với các mục đích và quy định của Công ước. Đồng thời, trong bất kỳ tình huống nào, kể cả trong các trường hợp đặc biệt, “sự can thiệp” này cũng phải hợp lý. Quyết định can thiệp vào đời tư phải do người có thẩm quyền quyết định căn cứ vào quy định pháp luật và tùy thuộc vào từng trường hợp. Những hành vi xâm phạm đời tư phải được nghiêm cấm, bao gồm cả hành vi của cả thể nhân và pháp nhân.
Với vị trí là thành viên của các Công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có quyền riêng tư, Việt Nam đã cụ thể hóa việc “giới hạn quyền” trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Theo đó, các trường hợp mà quyền con người nói chung, quyền riêng tư nói riêng bị hạn chế sẽ được thực hiện theo khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013 “…trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng” – đây là quy phạm pháp luật được tất cả các nhà khoa học đồng tình và viện dẫn khi nhắc đến vấn đề hạn chế quyền. Song, theo PGS.TS Bùi Tiến Đạt thì “không thể coi khoản 2 Điều 14 là căn cứ duy nhất để đánh giá vấn đề hạn chế quyền mà cần xem xét nó trong mối liên hệ tổng thể với các điều khoản khác của Hiến pháp” [8] . Cụ thể, không thể quá phụ thuộc vào lời văn của khoản 2 Điều 14 mà bỏ sót khoản 4 Điều 15 của Hiến pháp năm 2013 “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Nghĩa là ngoài các nguyên nhân theo khoản 2 Điều 14 thì “lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác” đều là những căn cứ phù hợp, chính đáng khi cần hạn chế quyền, đáp ứng tinh thần pháp luật quốc tế. Từ đó có thể thấy, với tính chất đặc biệt nguy hiểm của dịch Covid -19, tính chính đáng của hoàn cảnh “vì lợi ích công cộng, sức khoẻ công động” để hạn chế quyền riêng tư của người bệnh, người nghi nhiễm, người tiếp xúc… là phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn, được sự ủng hộ mạnh mẽ của công luận và xã hội.
Mặc dù quyền riêng tư bị hạn chế trong hoàn cảnh dịch bệnh, pháp luật Việt Nam vẫn bảo vệ quyền riêng tư cho cá nhân nói chung, người bị nhiễm bệnh và nghi nhiễm bệnh nói riêng. Cụ thể, Khoản 5 Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định về hành vi bị cấm “Phân biệt, đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm”. Khoản 2 Điều 10 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 quy định, người bệnh phải “được giữ bí mật thông tin trong hồ sơ bệnh án và thông tin khác về đời tư mà người bệnh đã cung cấp cho người hành nghề trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp người bệnh đồng ý chia sẻ thông tin theo quy định của pháp luật hoặc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 69 của Luật này”. Khoản 3 Điều 33 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 cũng quy định cơ sở khám chữa bệnh có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh. Theo đó, người bệnh sẽ được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án. Các thông tin này chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định. Thầy thuốc và nhân viên y tế trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh [9].
Người bệnh có quyền được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám bệnh, chữa bệnh. Người bệnh sẽ không bị kỳ thị, phân biệt đối xử, không bị phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội và được tôn trọng về tuổi tác, giới tính, dân tộc, tín ngưỡng. Nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người bệnh. Người bệnh có quyền được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Người bệnh sẽ được cung cấp thông tin tóm tắt về hồ sơ bệnh án nếu có yêu cầu bằng văn bản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; được cung cấp thông tin về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, giải thích chi tiết về các khoản chi trong hóa đơn thanh toán dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Như vậy, theo pháp luật Việt Nam hiện hành, cơ sở khám chữa bệnh có nghĩa vụ bảo đảm bí mật các thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án giấy và hồ sơ bệnh án điện tử của cả người bệnh không truyền nhiễm lẫn người bệnh truyền nhiễm. Trên bình diện lý luận, có thể nhận thấy rằng, các cơ sở khám chữa bệnh phải có nghĩa vụ bảo mật thông tin người bệnh cả trước, trong và sau khi kết thúc quan hệ hợp đồng vì nhiều lý do [10].
Thứ nhất, dựa trên nguyên tắc tín thác và bảo đảm bí mật nghề nghiệp thì mọi thông tin được người bệnh cung cấp cho cơ sở khám chữa bệnh vào bất kỳ thời điểm nào trong mối quan hệ giữa cơ sở khám chữa bệnh và người bệnh đều hoàn toàn thuộc nghĩa vụ bảo đảm bí mật của cơ sở khám chữa bệnh.
Thứ hai, sau khi chấm dứt mối quan hệ giữa cơ sở khám chữa bệnh và người bệnh, những thông tin về cá nhân, riêng tư của người bệnh nhất thiết phải được các cơ sở khám chữa bệnh bảo đảm bí mật. Bởi vì, bất kỳ thông tin nào thuộc cá nhân và riêng tư của người bệnh khi bị cơ sở khám chữa bệnh tiết lộ đều có thể dẫn đến thiệt hại, bất lợi cho người bệnh.
Thứ ba, những thông tin bí mật của người bệnh còn có thể mang tính kinh tế, thương mại, vì vậy, khi bị tiết lộ vẫn có khả năng tác động tiêu cực cho hoạt động kinh doanh, sản xuất của người bệnh.
Qua những phân tích trên, có thể khẳng định rằng, nghĩa vụ bảo đảm bí mật thông tin người bệnh của cơ sở khám chữa bệnh là nghĩa vụ được duy trì vô thời hạn nếu pháp luật không có quy định cụ thể thời điểm chấm dứt nghĩa vụ này. Dù trong hoàn cảnh đại dịch, quyền riêng tư của cá nhân nói chung, của người bị nhiễm bệnh nói riêng vẫn không bị tước bỏ hoàn toàn mà vẫn được pháp luật bảo vệ với những quy định cụ thể trong pháp luật liên quan. Điều này tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền riêng tư, lợi ích chính đáng của người bệnh trước tình trạng dịch bệnh Covid-19 mà vẫn không gây xung đột với lợi ích chung của xã hội.
3. Một số hạn chế khi bảo vệ quyền riêng tư trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19
Tuy vận dụng đầy đủ các nguyên tắc giới hạn quyền kể trên, việc triển khai pháp luật khi cần giới hạn quyền riêng tư vẫn tồn tại nhiều vướng mắc do thiếu các quy định chi tiết, cụ thể. Soi chiếu trường hợp về hạn chế quyền riêng tư trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gần đây, tác giả sẽ phân tích một số hạn chế pháp luật này, gồm:
Thứ nhất, về việc thu thập thông tin cá nhân.
Trong bối cảnh nguy hiểm của đại dịch Covid-19, ưu tiên quyền sống còn của toàn thể cộng đồng dân cư là nhiệm vụ cấp bách và tối thượng. Để bảo toàn được tính mạng và an toàn sức khỏe của mọi người, việc đặt ra giới hạn cho một số quyền con người, quyền công dân là yêu cầu thiết yếu không thể phủ nhận, như quyền tự do đi lại, quyền giáo dục và có cả quyền riêng tư, đảm bảo cân bằng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của cả cộng đồng. Trong giai đoạn 2019-2021, trên các trang thông tin đại chúng, mạng xã hội, báo điện tử… đều thường xuyên cập nhật danh tính, tên tuổi, quê quán, lịch trình di chuyển… của các đối tượng “nghi nhiễm” – tức là có tiếp xúc với nguồn bệnh – để người dân có thể kịp thời nắm thông tin và chủ động khai báo nếu có gặp gỡ hay có đến tại các địa điểm được thông báo. Giai đoạn này cả thế giới và Việt Nam đều chưa triển khai tiêm vacxin, chủng Covid lúc này cũng vô cùng nguy hiểm khi có khả năng lây nhiễm mạnh mẽ, gây suy hô hấp và dẫn tới tử vong cao, do đó chiến dich “truy vết” được áp dụng ở thời gian đầu của quá trình chống dịch là hoàn toàn phù hợp.
Song, quá trình lần đầu tiên phải đối phó với một dịch bệnh nguy hiểm và lạ lẫm cũng đưa đến một số vướng mắc trong quá trình giới hạn quyền để đảm bảo lợi ích cộng đồng. (1) Về đối tượng cần lấy thông tin, ngoài các nội dung ở Hiến pháp như đã đề cập ở trên, quy trình cũng như nội dung chi tiết của quá trình “hạn chế quyền” đều chưa có văn bản điều chỉnh, làm rõ; chưa xây dựng được bộ tiêu chí hoặc các hướng dẫn về đối tượng đưa vào diện “truy vết” mà chủ yếu dựa trên các xét đoán của cơ quan y tế vào từng giai đoạn, dẫn đến nhiều trường hợp truy vết còn bỏ sót hoặc thừa thãi, mất công sức và thời gian của cán bộ y tế; (2) Về nội dung thông tin, nội dung các thông tin cần thu thập và không được thu thập cũng chưa được xác định rõ, khiến nhiều thông tin thu thập trở nên “thiếu sót” hoặc “vượt mức” cần thiết và trao quá nhiều sự chủ động mang tính định tính cho các địa phương. Việc công bố thông tin ở giai đoạn đầu dịch bệnh cũng có nhiều bất cập khi không mã hóa thông tin bệnh nhân mà ghi rõ họ tên, địa chỉ… lên các phương tiện truyền thông, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống riêng tư cũng như tự do cá nhân của người bệnh và gia đình.
Thứ hai, về việc sử dụng và cung cấp thông tin.
Thông tin nói chung và thông tin riêng tư trong giai đoạn Covid-19 nói riêng sau khi được thu thập sẽ được sử dụng theo đúng mục đích bảo vệ cộng đồng, bao gồm cả việc cung cấp thông tin cho công chúng được nắm rõ. Liên quan đến thẩm quyền cung cấp thông tin, Điều 7 “Luật Tiếp cận thông tin năm 2016” đã xác định: “Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, người đứng đầu cơ quan nhà nước quyết định việc cung cấp thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật có liên quan mà không cần có sự đồng ý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này”. Nghĩa là trường hợp cá nhân hay gia đình sở hữu thông tin riêng tư không đồng ý, nhưng vì nguyên do “lợi ích công cộng, sức khỏe cộng đồng” thì cơ quan nhà nước vẫn có thể cung cấp thông tin đó – là một trong những căn cứ Hiến định để hạn chế quyền. Liên quan đến thẩm quyền cung cấp thông tin riêng tư trong quy định này vẫn chưa thật sự rõ ràng, theo PGS.TS.Bùi Tiến Đạt có thể đưa đến hai cách hiểu như sau: [11]
– Cách hiểu thứ nhất: đây là thẩm quyền hành chính tùy nghi của người đứng đầu cơ quan nhà nước quyết định sau khi cân nhắc và đánh giá các lý do, biện pháp liên quan. Theo cách hiểu này, người đứng đầu cơ quan nhà nước có chức năng như một cơ quan tài phán hiến pháp: giải quyết sự xung đột giữa Quyền riêng tư và quyền tiếp cận thông tin, xem xét tính cấp thiết và tầm quan trọng của quyền cần được ưu tiên trong những tình huống cụ thể. Như vậy, việc cung cấp thông tin theo cách hiểu này phụ thuộc nhiều vào yếu tố định tính của người đứng đầu cơ quan và chưa có hướng dẫn chung để đảm bảo sự đồng bộ trong quá trình thực thi giữa các địa phương trong cả nước, dễ xảy ra tình trạng áp đặt, chủ quan.
– Cách hiểu thứ hai: người đứng đầu cơ quan nhà nước không có thẩm quyền hành chính tùy nghi như trên mà chỉ có quyền cung cấp thông tin riêng tư “theo quy định của luật có liên quan”. Sự giới hạn Quyền riêng tư trong trường hợp này được thực thi theo quy định của văn bản lập pháp chứ không tùy thuộc sự đánh giá của cơ quan nhà nước, và như vậy chúng ta lại quay lại vấn đề hoàn thiện các “khoảng trống” còn tồn tại trong các văn bản luật về việc “giới hạn quyền”, đảm bảo cho người đứng đâu cơ quan có thẩm quyền có căn cứ chính xác, cụ thể để thực hiện chức năng cung cấp thông tin cho phù hợp.
Như vậy, dù là cách hiểu nào đi chăng nữa thì việc quy định thẩm quyền cung cấp thông tin của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền cũng đều phải được hướng dẫn chi tiết và làm rõ hơn trong các văn bản pháp luật. Việc thiếu vắng các quy phạm pháp luật cụ thể về thẩm quyền này khiến việc hạn chế quyền cũng như đảm bảo quyền gặp nhiều trở ngại khi áp dụng trong cuộc sống. Thứ ba, ý thức tôn trọng quyền riêng tư của người dân Việc thiếu tôn trọng và lạm dụng thông tin, hình ảnh riêng tư của người bị nhiễm bệnh covid, người tiếp xúc với người bệnh để trục lợi trên mạng xã hội đã bùng phát gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền riêng tư của người bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tinh thần và sức khoẻ của người bệnh [12], [13] đã có tình trạng thông tin cá nhân và mối quan hệ của người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 bị tung tin thất thiệt. Nhiều trường hợp đã bị cộng đồng mạng săn lùng như “tội đồ” với nhiều suy diễn bình luận, công kích, thậm chí bịa chuyện để xuyên tạc. Nhiều cá nhân lợi dụng sự quan tâm của cộng đồng đã tạo hàng trăm tài khoản mạng xã hội giả mạo đăng tải thông tin của người bệnh để “câu” tương tác. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc xử lý đồng bộ công tác ngăn chặn, điều trị dập dịch, đồng thời phải đảm bảo cơ chế hỗ trợ và cung cấp thông tin phù hợp vừa theo quy định của pháp luật, vừa phù hợp với tâm lý và đời sống người bệnh, để cùng chung sức phát hiện, điều tra, truy vết. Tránh thực trạng người bệnh hoặc người nghi mắc bệnh sợ bị kỳ thị, phân biệt, đối xử mà không khai báo, không cung cấp thông tin hoặc khai báo, cung cấp qua loa, không chính xác.
Thứ tư, ảnh hưởng của phát triển công nghệ
Theo nhiều kết quả nghiên cứu, đối với kẻ trộm tài chính cá nhân, dữ liệu về chăm sóc sức khoẻ có giá trị hơn mười lần so với dữ liệu thông thường, đặc biệt các dữ liệu điện tử là đối tượng bị nhắm đến nhiều nhất vì tính chất dễ bị đánh cắp của nó [14]. Các chuyên gia cho biết, dữ liệu y tế có giá trị rất lớn trên thị trường, vì vậy Mayou Clinic – hệ thống chăm sóc sức khoẻ lớn của Mỹ – đã thuê hacker mũ trắng xem xét hệ thống của họ, tìm kiếm lỗ hổng trước khi các hacker khác có thể khai thác trục lợi. Và lỗ hổng lớn nhất mà hacker có thể lợi dụng chính là từ thiết bị đầu vào của bệnh nhân, đặc biệt là công nghệ nhận diện khuôn mặt hoặc các phần mềm quản lý y tế trên điện thoại. Ở Việt Nam, QR đã mang lại nhiều hữu ích trong quá trình phòng chống lây lan dịch bệnh Covid – 19, giám sát quá trình di chuyển của người dân và xác định các tiếp xúc gần gũi với những người bị và nghi nhiễm bệnh, từ đó giúp các nhà chức trách và nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về sự lây lan của bệnh và đưa ra các biện pháp phòng chống hiệu quả. Song, thực tế này cũng đưa đến nhiều hạn chế trong quá thực hiện phòng chống dịch: (1) Do việc sản xuất phần mềm diễn ra khẩn trương để đáp ứng tình hình dịch bệnh, nên khả năng bảo mật dữ liệu của các phần mềm khai báo y tế của Việt Nam chưa cao, tiềm ẩn rủi ro lớn về rò rỉ dự liệu cá nhân, thông tin riêng tư của cá nhân. PGS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết – Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương – cho rằng: “Hệ thống bảo mật thông tin, an ninh mạng đang là vấn đề rất quan trọng vì khi phát triển y tế thông minh, tất cả sẽ được số hóa toàn bộ dữ liệu của bệnh viện, bệnh nhân. Nếu không đảm bảo an ninh mạng thì giống như của để ngoài cửa nhưng cửa lại mở toang. Dữ liệu của bệnh viện và thông tin của người bệnh có nguy cơ bị xâm phạm, chiếm đoạt” [15]. (2) Việc thiếu cơ chế kiểm soát và thẩm định nghiêm ngặt nên tình trạng các cơ quan, các địa phương cho phép quá nhiều APPs theo dõi, thống kê và phát hiện người tiềm ẩn nguy cơ nhiễm (Bluezone, VHD, Sổ sức khỏe điện tử…) [16] đã không chỉ khiến người dân bối rối trong quá trình sử dụng, khai báo mà còn gây bức xúc trong cộng đồng bởi tính cồng kềnh của các loại apps, đặc biệt là khi cần phải di chuyển qua nhiều tỉnh thành khác nhau. Bên cạnh đó, thông tin dữ liệu ở các phần mềm không đồng nhất, sai lệch hoặc không cập nhật kịp thời (không hiện số mũi tiêm dù đã tiêm chủng đầy đủ), cũng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời gây nguy hại tiềm tàng cho việc bảo vệ quyền riêng tư.
Thứ năm, Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000 được ban hành trên cơ sở Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001). Khi đó, Hiến pháp chưa xác định nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế bằng quy định của luật, trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Trong pháp luật tình trạng khẩn cấp, nội dung quy định các hạn chế quyền con người, quyền công dân chưa thật đầy đủ. Thực tế cho thấy, trong thời gian diễn ra tình trạng khẩn cấp, một số quyền con người, quyền công dân có thể bị hạn chế nhưng chưa được pháp luật về tình trạng khẩn cấp trù liệu. Do vậy, việc Hiến pháp năm 2013 bổ sung nguyên tắc hạn chế quyền khiến Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000 trở nên không phù hợp và không theo kịp được tiến độ phát triển của hệ thống pháp luật hiện hành.
4. Kiến nghị hoàn thiện quy định về bảo đảm Quyền riêng tư trong bối cảnh dịch bệnh
Hạn chế quyền quyền riêng tư, bao gồm cả quyền riêng tư trong bối cảnh dịch bệnh là vấn đề phức tạp và khó hài hoà được lợi ích tuyệt đối của các bên. Bởi lẽ, tùy vào tình hình khách quan về mức độ nguy hại hay lây nhiễm của dịch bệnh mà việc hạn chế quyền sẽ có những đặc thù riêng tương ứng với thực tiễn xảy ra. Song, để giảm thiểu sự không đồng bộ khi áp dụng pháp luật ở các địa phương trong toàn quốc cũng như đưa đến cách hiểu thống nhất về việc giới hạn quyền, cần nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về hạn chế quyền riêng tư theo hướng:
Thứ nhất, xây dựng hệ thống nguyên tắc hạn chế quyền làm nền tảng cho việc tổ chức và hoạt động của cơ chế hạn chế Quyền riêng tư nhằm giảm thiểu sự tùy tiện trong quá trình thực thi. Việc chỉ dựa vào quy định giới hạn quyền được xác định trong Hiến pháp “theo quy định của luật” và “trong trường hợp cần thiết” là chưa đủ cụ thể và tường minh để quá trình hạn chế quyền được hiệu quả và minh bạch. Do vậy, cần thiết phải thiết lập một “bộ khung” cho việc hạn chế quyền này bằng cách xây dựng một hệ thống các nguyên tắc cơ bản để hạn chế quyền, bao gồm cả quyền riêng tư. Trong đó, cần đặt ra yêu cầu cân bằng giữa tính hợp Hiến, hợp lý, hợp pháp của các quyết định hạn chế quyền khi xây dựng các nguyên tắc nền tảng này, xác định rõ ràng mục tiêu “đảm bảo quyền của chủ thể này không xâm phạm đến quyền chủ thể khác đồng thời cân bằng các lợi ích trong xã hội”.
Thứ hai, việc thực hiện hạn chế quyền riêng tư là do Nhà nước thực hiện, chính vì vậy sự cân bằng giữa việc giữ gìn trật tự công cộng, bảo vệ an ninh quốc gia và quyền của cá nhân phải được đặt lên bàn cân. Vì vậy, việc hạn chế quyền riêng tư cần được quy định chi tiết, cụ thể, bao gồm trình tự, thủ tục của việc hạn chế quyền; thẩm quyền cung cấp thông tin riêng tư của cơ quan nhà nước; cơ chế báo cáo, phản ánh nếu công dân gặp vấn đề hoặc thắc mắc trong quá trình giới hạn quyền… đều cần được lưu tâm làm rõ. Như vậy mới có thể đảm bảo cán cân được cân bằng, đặc biệt là trong một xã hội hiện đại và dân chủ.
Thứ ba, đòi hỏi cần ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp thay thế cho Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp để bảo đảm các quy định về vấn đề này phù hợp với yêu cầu của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính hợp hiến của những hạn chế quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp. Luật Tình trạng khẩn cấp cần quy định đầy đủ các vấn đề liên quan, nhất là việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân hoặc hạn chế quyền con người, quyền công dân (bao gồm cả quyền riêng tư) khi cần thiết trong tình trạng khẩn cấp phù hợp với yêu cầu của Hến pháp năm 2013. Trong đó phải trù liệu được hết phạm vi quyền con người, quyền công dân có thể hoặc cần bị hạn chế trong thời gian diễn ra tình trạng khẩn cấp nên các biện pháp bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp chưa được pháp luật xác định đầy đủ, đặc biệt là các biện pháp về kinh tế, an sinh xã hội.
Thứ tư, trong tương lai xa hơn, cần phải thiết lập một cơ quan tài phán độc lập bên cạnh cơ chế giám sát của Quốc hội để đánh giá, xem xét tính hợp lý, hợp Hiến, hợp pháp cũng như mức độ cần thiết và sự hiệu quả của việc hạn chế quyền (có thể dựa trên cơ sở phương pháp phân tích cân xứng). Với bối cảnh ở Việt Nam, việc thành lập một cơ quan tài phán hiến pháp sẽ vẫn còn gặp nhiều trở ngại và khó khăn, song thiết lập một Hội đồng Hiến pháp độc lập với quyền lực hạn chế sẽ phù hợp và đáp ứng được tình hình thực tiễn nước ta.
Thứ năm, xem xét đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống nhân sự công nghệ thông tin chuyên nghiệp, hạ tầng công nghệ trong lĩnh vực y tế, tương xứng với kế hoạch phát triển của y tế thông minh ở tất cả các cấp. Trong đó cần đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư hệ thống bảo mật, đảm bảo sự an toàn của hệ thống dữ liệu y tế, bảo vệ quyền riêng tư của người bệnh. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi một nguồn kinh phí khổng lồ và bản thân các bệnh viện, cơ sở y tế khó lòng đáp ứng. Do vậy, giải pháp tốt nhất của các bệnh viện là thuê các công ty bên ngoài cung cấp hệ thống lưu trữ dữ liệu và bảo mật thông tin cho bệnh viện và bệnh nhân. Song song đó, để thích ứng với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần xem xét bổ sung ngành đào tạo công nghệ thông tin chuyên về y tế, đây là một ngành triển vọng có thể đáp ứng đồng thời nhu cầu thực tế của xã hội và xu thế hội nhập quốc tế.
5. Kết luận
Trong bối cảnh dịch COVID-19 ở Việt Nam, việc bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân nói chung và quyền con người nói riêng trở nên ngày càng quan trọng và phức tạp. Dịch bệnh đã đặt ra các thách thức khắc nghiệt đối với quyền riêng tư của mỗi người, trong khi nhà nước và xã hội cần đảm bảo sự an toàn tính mạng và sức khỏe công cộng. Việc áp dụng những biện pháp quản lý dịch bệnh như giám sát y tế, theo dõi di chuyển, thu thập thông tin cá nhân, và sử dụng công nghệ thông tin đã được triển khai và đem lại hiệu quả, song cần được thực hiện một cách cân nhắc, công bằng và tuân thủ pháp luật, đảm bảo rằng quyền riêng tư của mỗi cá nhân không bị xâm phạm một cách vô lý hay trái với quy định của pháp luật. Trong tình trạng khẩn cấp, việc bảo vệ quyền riêng tư là một thách thức đối với chính phủ và xã hội. Do vậy, việc xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh về tình trạng khẩn cấp, đặc biệt là trong hoàn cảnh dịch bệnh là một yêu cầu cấp thiết để nhằm bảo vệ quyền lợi và sự tự do của cộng đồng dân cư.
Trích dẫn
- Xem thêm nghiên cứu về “Sự riêng tư và nhân quyền” của Tổ chức Bảo mật quốc tế và Trung tâm bảo mật thông tin điện tử năm 2004
- Quốc hội (2013) Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Điều 21;
- Quốc hội (2015) Bộ luật Dân sư, Điều 38
- Vũ Hồng Anh, Nguyễn Thị Thủy (2020), Bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam, Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 10 (410)
- Điều 1 Quyết định 219/QĐ-BYT của Bộ Y tế năm 2020 “Về về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (ncov) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007”
- Vì sao Việt Nam không ban bố tình trạng khẩn cấp trong đợt dịch bùng phát thứ 4, https://vov.vn/chinh-tri/vi-sao- viet-nam-khong-ban-bo-tinh-trang-khan-cap-trong-dot-dich-bung-phat-thu-4-post916128.vov, truy cập ngày 15/4/2024
- Bình luận chung số 16 của Ủy ban giám sát thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị
- Bùi Tiến Đạt (2018), “Quyền riêng tư: Phạm vi và sự xung đột”, trong cuốn “Quyền về sự riêng tư”, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, tr.141.
- Điều 33 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007
- ThS. Nguyễn Vương Quốc (2023), Nghĩa vụ bảo đảm bí mật thông tin người bệnh trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 386), tháng 8/2023
- Bùi Tiến Đạt (2018), “Quyền riêng tư: Phạm vi và sự xung đột”, trong cuốn “Quyền về sự riêng tư”, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, tr.138
- Hoài Nhung (2021), Đăng tải, chia sẻ công khai thông tin về các trường hợp nghi nhiễm COVID-19 là hành vi vi phạm pháp luật, https://congan.kontum.gov.vn/pho-bien-giao-duc-phap-luat/phap-luat-doi-song/dang-tai-chia-se- cong-khai-thong-tin-ve-cac-truong-hop-nghi-nhiem-covid-19-la-hanh-vi-vi-pham-phap-luat.html, truy cập ngày 12/4/2024
- Đăng Nguyên (2021), Lo ngại quyền riêng tư của người nhiễm và nghi nhiễm Covid-19, https://thanhnien.vn/lo-ngai-quyen-rieng-tu-cua-nguoi-nhiem-va-nghi-nhiem-covid-19-post1030999.html, truy cập ngày 12/4/2024
- Những thách thức về bảo mật thông tin khi dùng bệnh án điện tử, https://sotttt1.haiduong.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=1050&title=nhung-thach-thuc-ve-bao-mat-thong-tin- khi-dung-benh-an-dien-tu.html, truy cập ngày 15/4/2024
Nguồn
HỘI THẢO KHOA HỌC “NGUYÊN TẮC PHÁP QUYỀN TRONG TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP Ở VIỆT NAM: NHẬN THỨC VÀ THỰC TRẠNG
Tác giả:
Đặng Công Cường – Trường Đại học Luật, Đại học Huế
ThS. Trần Thị Diệu Hà – Trường Đại học Luật, Đại học Huế
Trên đây là nội dung bài viết “Bảo vệ quyền riêng tư trong tình trạng khẩn cấp từ thực tiễn bối cảnh dịch Covid -19 ở Việt Nam” mà LDM (Legal de Minimis) chia sẻ đến bạn đọc. LDM được thành lập vào năm 2021 với mục tiêu cống hiến cho công cuộc giáo dục pháp lý của nước nhà. Cùng đội ngũ những luật gia trẻ và tràn đầy nhiệt huyết, LDM nỗ lực từng ngày để trở thành người dẫn đường và đồng hành cùng các thế hệ sinh viên theo đuổi đam mê với nghề Luật. Chúng tôi tự hào là một trong những tổ chức tiên phong về giáo dục, định hướng, kết nối và xây dựng một diễn đàn về học và hành nghề Luật tại Việt Nam. Với phương châm “Cuộc hành trình vĩ đại nào cũng bắt đầu từ những bước chân nhỏ nhất”, LDM mong rằng sẽ góp phần tạo nên nhiều hành trình ý nghĩa cùng thế hệ luật sư hiện tại và tương lai.