Trước đây, mình hay có lầm tưởng rằng “vũ khí sắc bén” của những người học luật giỏi, hay những người hành nghề luật giỏi (như luật sư, thẩm phán, công tố viên) là khả năng ghi nhớ và thuộc “làu” các quy định pháp luật. Tuy nhiên, sau này càng học luật nhiều và hành nghề luật tại các công ty luật, mình đúc kết được rằng một trong những vũ khí sắc bén của người học luật giỏi hay của những người hành nghề luật giỏi chính là tư duy logic và tư duy phản biện. Bài viết này sẽ phác họa một bức tranh đơn giản và thực tế về tư duy logic và tư duy phản biện trong ngành luật.
Mình không phải là những chuyên gia hay những người nghiên cứu quá sâu về lĩnh vực triết học hoặc tâm lý học, do đó, cho mục đích của phần phân tích phía dưới, mình sẽ đưa ra khái niệm dựa trên quan điểm và cách hiểu có phần “bề mặt” của mình về tư duy logic và tư duy phản biện.
Cụ thể, mình hiểu đơn giản tư duy logic là khả năng của một con người suy nghĩ, suy luận về một vấn đề một cách khoa học, hệ thống, theo trình tự thời gian và phù hợp với các quy luật của tự nhiên.
Lấy một ví dụ đơn giản trong thực tế cuộc sống để minh họa: “cuốn sách vừa rơi xuống đất”, từ mệnh đề này, chúng ta có thể suy luận ngay ra rằng trước khi rơi xuống đất, cuốn sách đã nằm ở một vị trí nào đó cao hơn mặt đất (hoặc mặt sàn nhà) thì mới rơi xuống đất được, chứ nếu cuốn sách nằm trên mặt đất từ đầu thì không có thể chuyện cuốn sách vừa rơi xuống đất được, việc suy luận như vậy là phù hợp với quy luật vật lý tự nhiên, và chính là một biểu hiện đơn giản của tư duy logic.
Đối với tư duy phản biện, mình hiểu đơn giản tư duy phản biện là một cách thức suy nghĩ, suy luận về một vấn đề đã có kết luận dưới một hoặc một số góc nhìn/phương diện khác với góc nhìn/phương diện đã được sử dụng để đi đến kết luận hiện có về vấn đề đó nhằm làm rõ ràng và sáng tỏ tính chính xác của vấn đề. Tư duy phản biện giúp một người có góc nhìn đa chiều về một vấn đề, trên cơ sở đó, hiểu sâu sắc và đưa ra giải pháp tối ưu nhất cho vấn đề đó.
Biểu hiện đơn giản nhất của tư duy phản biện là việc đặt nhiều câu hỏi từ nhiều góc độ và khía cạnh khác nhau đối với một vấn đề. Đối với một quy định pháp luật nào, nếu tư duy theo lối thông thường, suy nghĩ mặc nhiên của một người bình thường là quy định đó và quy định pháp luật nên nó phải đúng và hợp lý và người đó sẽ cố gắng để hiểu và làm quy định đó thành đúng và hợp lý, trong khi có thể bản thân quy định đó là sai và không hợp lý. Tuy nhiên, nếu sử dụng tư duy phản biện, chúng ta sẽ đặt ra rất nhiều câu hỏi dưới nhiều góc độ, bối cảnh thực tế có liên quan, trong mối quan hệ với quy định khác cùng điều chỉnh một vấn đề, sau đó đưa ra các câu trả lời và trên cơ sở các câu trả lời đó, đưa ra kết luận về tính hợp lý của quy định pháp luật đang được xem xét.
Tư duy logic và tư duy phản biện, theo ý kiến chủ quan của cá nhân mình, là một “điều kiện tiên quyết” để một người có thể “chinh phục” mọi môn học luật mọi kỳ thi, cuộc thi khi học luật, cũng như để có thể hành nghề luật sau khi tốt nghiệp. Nếu một người không có khả năng tư duy logic và tư duy phản biện quá tốt, người đó sẽ vẫn có thể học luật tốt ở một mức độ nào đó, tuy nhiên, trong bối cảnh một vụ việc thực tế dù là tư vấn hay tranh tụng, người đó sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tư duy để giải quyết vụ việc, vì người đó sẽ rất dễ bị “rối” và tư duy không mạch lạc, và cảm thấy không thể tìm thấy được lối thoát trong một “mớ” tình tiết vụ việc và và một “mớ” quy định pháp luật đan xen lẫn lộn. Việc tư duy logic và tư duy phản biện không tốt còn có thể khiến một người bỏ lọt những vấn đề mấu chốt, quan trọng, có tính chất quyết định trong việc giải quyết một vụ việc.
Ngược lại, với khả năng tư duy logic và tư duy phản biện tốt, một người sẽ giải quyết các vấn đề pháp lý được đặt ra trong phần lớn các trường hợp là dễ dàng hơn khá nhiều. Đối với những trường hợp quy định pháp luật còn chưa rõ ràng, một luật sư vẫn có thể sử dụng tư duy logic, tư duy phản biện để lập luận, giải thích quy định và đưa ra được ý kiến tư vấn cho khách hàng.
Tương tự như vậy, khi học luật mà bản chất là quy định pháp luật, tình huống, vấn đề pháp lý đã được đơn giản hóa đi rất nhiều so với thực tiễn, việc một người sở hữu tư duy logic và tư duy phản biện tốt giúp người đó giải quyết bất cứ một tình huống hay vấn đề pháp lý nào nhanh chóng và chính xác. Với tư duy đó mang vào phòng thi, mình tin chắc rằng có thể một sinh viên luật ôn bài chưa kỹ nhưng chỉ cần mang đủ văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến môn học, sinh viên đó vẫn sẽ có thể “sống tốt”, hoàn thành bài thi với điểm số có thể không xuất sắc nhưng cũng sẽ là khá hoặc tốt!