Một trong những vấn đề nổi bật là quy định về thẩm quyền của TAVN trong các hiệp định tương trợ tư pháp còn khá sơ lược và thiếu tính thống nhất. Việc quy định cho phép cả TAVN và Tòa án của nước ký kết khác cùng có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đã dẫn đến tình trạng chồng chéo và gây khó khăn cho các bên tham gia. Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam hiện hành về vấn đề này còn rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, dẫn đến tình trạng chồng chép, mâu thuẫn và gây khó khăn cho việc áp dụng trong thực tiễn. Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 là văn bản pháp luật quan trọng quy định về thẩm quyền của TAVN , tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số bất cập như chưa có quy định cụ thể về quyền thỏa thuận lựa chọn Tòa án, thẩm quyền giải quyết các vụ việc về sở hữu trí tuệ, v.v. Điều này gây ra nhiều bất tiện cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Việc Việt Nam gia nhập ngày càng nhiều các ĐUQT về thương mại và đầu tư đặt ra yêu cầu cấp thiết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về thẩm quyền giải quyết các vụ việc kinh doanh, thương mại trong tư pháp quốc tế (TPQT). Một hệ thống pháp luật hoàn thiện sẽ tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn, minh bạch và ổn định, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Để giải quyết những vấn đề trên, cần tiến hành các nghiên cứu sâu rộng về thẩm quyền của TAVN trong so sánh với pháp luật của các quốc gia khác trên thế giới. Từ đó, đề xuất những sửa đổi, bổ sung phù hợp nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật về thẩm quyền giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại có YTNN hiện đại, thống nhất và hiệu quả.
Nguồn: “Thẩm quyền Tòa án Việt Nam với các vụ việc kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài và tương quan với các quốc gia”
Trường Đại học Luật Hà Nội – Luận án Tiến sĩ