Theo quan điểm của cá nhân mình, công thức thành công trong học luật sẽ là 50% kiến thức + 50% kỹ năng.
Bắt đầu với 50% kiến thức! Kiến thức chủ yếu sẽ bao gồm kiến thức luật và kiến thức xã hội. Kiến thức luật mình nhắc đến ở đây không phải là các điều luật mà mình có thể đọc vanh vách một cách tự tin mà không cần nhìn văn bản, mà kiến thức ở đây là cách hiểu và áp dụng quy định một cách đúng, hợp lý và được chấp nhận rộng rãi trong thực tiễn.
Việc mình đọc thuộc lòng một quy định không đồng nghĩa với việc mình thực sự hiểu và biết cách áp dụng quy định đó vào các vụ việc cụ thể để giải quyết vấn đề pháp lý. Giá trị và khác biệt của một người học luật so với một người không học luật đến từ việc tư duy sâu vào nội dung quy định, trong bối cảnh quan hệ pháp luật được quy định điều chỉnh, trong hệ thống các quy định có liên quan và áp dụng được quy định vào trường hợp cụ thể. Và đó chính là kiến thức mà bất cứ sinh viên luật nào cũng nên cố gắng “thu nhặt” càng nhiều càng tốt trong quá trình học luật, qua các bài giảng, giáo trình, sách, tạp chí, các bài tập, thực tập, v.v.
Bên cạnh kiến thức luật, kiến thức xã hội cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng, bởi xét cho cùng, những quy định pháp luật không phải thứ gì đứng độc lập khỏi xã hội, mà bản thân chúng gắn liền để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Do vậy, việc có hiểu biết rộng về các lĩnh vực trong đời sống xã hội là một yếu tố thiết yếu để một người có thể thực sự hiểu và giải thích, áp dụng các quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ xã hội có liên quan.
Tiếp đến với 50% kỹ năng! Kiến thức luật về cơ bản là vô tận, quy định có thể bị sửa đổi, bổ sung, thay thế. Ngược lại, bộ kỹ năng “tiêu chuẩn” như tư duy logic, tư duy phản biện, kỹ năng viết, kỹ năng trình bày/thuyết trình, kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng đọc hiểu đã tồn tại có lẽ là từ “những ngày đầu tiên” của ngành luật cho đến hiện tại. Thực tế, trong quá trình mình đi làm tại các công ty luật lớn, và có cơ hội làm việc cũng những anh chị luật sư dày dặn kinh nghiệm, đôi khi kiến thức không phải thứ làm nên sự khác biệt, mà đó lại là bộ kỹ năng. Trong rất nhiều trường hợp, các anh chị, dù đã kinh nghiệm, đối diện với những quy định mới trong lĩnh vực họ chưa tiếp xúc trước đây. Tuy nhiên, những luật sư đó, với bộ kỹ năng sắc bén của mình, vẫn có thể nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích và giải quyết yêu cầu của khách hàng một cách gọn gàng và hiệu quả. Đó chính là sự khác biệt!
Một điều quan trọng nữa, là cả kiến thức và kỹ năng đều phải được rèn luyện và phát triển qua thời gian mà không có cái nào nên dừng lại hay giảm đi, và đó chính là lý do của tỷ lệ 50/50!
Tất nhiên, công thức thành công trong học luật hay cả hành nghề luật, ngoài kiến thức và kỹ năng, còn bao gồm rất nhiều yếu tố khác. Dẫu vậy, mình cho rằng, kiến thức và kỹ năng như trình bày bên trên là hai yếu tố cốt lõi mà mình tin rằng, tuân thủ công thức nêu trên, một sinh viên luật có thể đạt được những kết quả học tập tích cực, và cũng có thể chuẩn bị một nền tảng cho việc đi làm sau khi tốt nghiệp.