Phương pháp hùng biện

300.000 VND

Giới thiệu:

Tác giả: TS. LS. Liêu Chí Trung

Hùng biện là nghệ thuật nói, là năng lực diễn thuyết, là vẻ đẹp tinh túy, hoa mỹ và sắc sảo nhất của biểu hiện trí tuệ. Hùng biện xuất hiện ở mọi nơi trong đời sống của con người, từ những cuộc trò chuyện bình thường cho tới những buổi đàm phán, tuyên truyền nhiều giờ. Do vậy, từ xa xưa, không phải ngẫu nhiên mà con người đã chú trọng việc học tập, rèn luyện kỹ năng hùng biện để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.

Cuốn sách “Phương pháp hùng biện” do Tiến sĩ – Luật sư Liêu Chí Trung viết và xuất bản lần đầu năm 1998 là một trong những cuốn sách chuyên khảo hiếm hoi liên quan tới nghệ thuật hùng biện dành cho người Việt Nam. Sách ra đời khi yêu cầu ứng dụng kỹ năng hùng biện vào các lĩnh vực của đời sống xã hội đang ngày càng trở nên cấp thiết. Giai đoạn này, các tài liệu phục vụ học tập, rèn luyện kỹ năng vẫn còn khá khiêm tốn. Sách được tái bản lần thứ ba với nhiều chỉnh sửa, bổ sung giúp người đọc có cái nhìn toàn diện hơn về kỹ năng hùng biện trong thời điểm hiện tại.

Nội dung cuốn sách chủ yếu xoay quanh những nghiên cứu, khảo nghiệm của tác giả về kỹ năng hùng biện trên hai góc độ: tính khoa học và tính thực tiễn, trong đó tác giả đi sâu vào phân tích cách thức tự rèn luyện kỹ năng hùng biện. Có thể chia sách thành ba nội dung như sau:

Thứ nhất (Phần 1), tác giả trình bày những vấn đề lý luận và thực tiễn của kỹ năng hùng biện, giúp người đọc hiểu rõ hơn bản chất của kỹ năng hùng biện. Trong phần này, người đọc sẽ khai mở cho mình những câu hỏi đầu tiên về hùng biện như: Hùng biện là gì? Hùng biện có những ưu điểm gì? Hùng biện khi nào?… Tác giả đặc biệt nhấn mạnh đến 9 yêu cầu cơ bản và quan trọng nhất của hùng biện, đó chính là nền tàng mà con người cần phải có để tạo cơ sở cho việc hùng biện thật sự hiệu quả và thành công.

Thứ hai (từ Phần 2 đến Phần 5) của cuốn sách hướng dẫn người đọc cách thức tự rèn luyện kỹ năng hùng biện. Để hùng biện hiệu quả, theo tác giả cần được thực hiện thông qua ba giai đoạn: chuẩn bị hùng biện, đứng trên diễn đàn và sau khi hùng biện; mỗi giai đoạn tổng hợp nhiều kỹ năng, kỹ xảo có liên quan mà chúng ta phải học tập và lưu ý. Việc thực hiện hùng biện trước hết phải dựa trên tính tự chủ trong suy nghĩ và hành động, từ đó dẫn dắt nội dung theo đúng quỹ đạo mà người nói mong muốn, nhằm tiến tới mục đích sau cùng là thuyết phục và đưa thính giả tới hành động, có như vậy mới phát huy được hết khả năng tiềm tàng của nó.

Thứ ba (Phần 6), tác giả giới thiệu và phân tích một số dạng hùng biện cơ bản và cách thức hùng biện như: hùng biện trực tiếp, đọc văn bản và nói có văn bản, công cụ hỗ trợ và những lưu ý khi hùng biện. Ở mỗi tình huống, chúng ta có thể lựa chọn cách nói, cách diễn đạt khác nhau. Hùng biện có thể mang tính thủ tục, xã giao; có thể để giới thiệu, lấy ý kiến tham khảo, cũng có thể hùng biện khi trả lời phỏng vấn, chất vấn., đàm phán, thương thuyết, biện hộ. Bên cạnh hùng biện trực tiếp, trong nhiều trường hợp, hùng biện được thể hiện dưới dạng văn bản: đọc diễn văn, đọc lệnh, đọc các văn bản có tính chất quản lý, điều hành hành chính, đọc thư, các tài liệu thông tin về chủ trường, chính sách,… Trong quan hệ xã giao, có rất nhiều tình huống khác nhau để bạn lựa chọn cách nói cho linh hoạt và tùy vào từng loại tình huống mà lời hùng biện cần được điều chỉnh sao cho thấu tình đạt lý, thấu tỏ người nghe, từ đó góp phần giải quyết công việc một cách tốt nhất.

Start typing to see products you are looking for.