Tác giả: LS. Trương Thanh Đức
Giao dịch dân sự, kinh doanh, thương mại và các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
Giao dịch dân sự, kinh doanh, thương mại là những hoạt động thiết yếu, thường xuyên và ngày càng phổ biến trong đời sống kinh tế, xã hội. Đi kèm với những giao dịch này là các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Từ doanh nghiệp, ngân hàng đến cá nhân, tất cả đều sử dụng nhiều biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự và giao dịch bảo đảm thực hiện hợp đồng trong cuộc sống hàng ngày. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, bao gồm:
- Cầm cố tài sản: Giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
- Thế chấp tài sản: Dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà không giao tài sản cho bên kia.
- Đặt cọc: Giao một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
- Ký cược: Bên thuê tài sản giao một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê.
- Ký quỹ: Gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.
- Bảo lưu quyền sở hữu: Quyền sở hữu tài sản được bên bán bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ.
- Bảo lãnh: Người thứ ba cam kết với bên có quyền sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ nếu bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
- Tín chấp: Tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở bảo đảm bằng uy tín cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
- Cầm giữ tài sản: Bên có quyền đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Các biện pháp bảo đảm này được coi là hợp đồng phụ, nhưng lại phức tạp và đòi hỏi yêu cầu pháp lý chặt chẽ hơn các hợp đồng chính. Chúng cần được chuẩn bị kỹ lưỡng như một công cụ hữu hiệu để bảo hiểm, phòng ngừa vi phạm nghĩa vụ, giúp người bị vi phạm hợp đồng hạn chế rủi ro và tổn thất.
Nhằm cung cấp thông tin cơ bản về các biện pháp bảo đảm theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tái bản có sửa chữa, bổ sung cuốn sách “9 biện pháp bảo đảm nghĩa vụ hợp đồng (quy định thực tế và thiết kế giao dịch theo Bộ luật Dân sự hiện hành)” do Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), biên soạn. Cuốn sách này là tài liệu hữu ích cho các nhà lãnh đạo, quản lý công ty và luật sư tư vấn trong bối cảnh toàn cầu hóa và tác động của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế Việt Nam.